Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

NGÔI TRƯỜNG MỚI Ở BẢN CỦ DỂ XENG




Đến với Củ Dể Xeng, điểm trường lẻ của trường tiểu học Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào một chiều xuân muộn dịp tháng Ba năm ngoái mà hình ảnh các em cũng như trường lớp nơi đây cứ neo mãi vào tâm khảm không dứt ra được. Đó là một điểm trường giống như bao ngôi trường ở trên vùng núi cao chưa có đường giao thông thuận tiện, chủ yếu là tranh tre nứa lá, có chăng khá hơn chỉ là nhờ những tấm ván lịa thưa thếch bao quanh một số lớp. 

                                                       Điểm trường Củ Dể Xeng đây.
Vui vì được là học sinh danh dự của một lớp học ở Củ Dể Xeng nhưng xót xa vì lớp học nền đất và chủ yếu là tranh tre nứa lá.


                              Tặng cho mỗi lớp chút bánh kẹo để an ủi.


Lớp học Mầm non của các bé quá sơ sài chỉ có hai bức tranh trên liếp và một dãy cạp lồng cơm mang đi ăn trưa.

Tặng cho các cháu mỗi lớp học một ít bánh kẹo gọi là cho người đến thăm khỏi ngượng, ra về với lời đề nghị thay các vách xung quanh các lớp và các vách ngăn bằng gỗ cho Củ Dể Xeng của thầy hiệu trưởng mà lòng đầy trăn trở ám ảnh. Nhóm “Vì ta cần nhau” hồi đó mới thành lập còn nhỏ bé chủ trương mèo nhỏ bắt chuột nhỏ chỉ mang đến cho các em quần áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập, không mấy ai mặn mà với những kế hoạch to tát như xây dựng hay cải tạo trường lớp. Mọi người cũng có lý khi cho rằng việc đó có đảng và nhà nước lo rồi.

                                            Mấy lớp học đầu này trông còn khả dĩ.

Ở những nơi có đường giao thông thuận tiện như những nơi mình từng đến như Tả Củ Tỉ, Bàn Già ở Bắc Hà, Lào Cai, như Kim Bon, Sơn La, như Mèo Vạc, Hà Giang, như Khoen On II, Lai Châu hay Khau Phạ, Nậm Khắt, Páo Khắt, Lả Khắt, Khao Mang, hay trường Hồ Bốn ở Mù Cang Chải, Yên Bái thì nơi nào trường lớp cũng được xây dựng có cơ sở vật chất khá tốt. Nhưng nhiều nơi như Xéo Dì Hồ, Hồ Nhì Pá, Háng Đề Sủa, Củ Dể Xeng hay Hua Đán, Háng Á, Xua Lông, Cáng Dông ở mãi trên núi cao, đường đi cheo leo gập ghềnh khúc khuỷu thì không biết đến bao giờ nhà nước mới xây trường cho.

Với một số nơi như Xéo Dì Hồ, Hồ Nhì Pá, Háng Á hay Háng Đề Sủa, ít nhiều cũng tự an ủi VTCN đã đến tận nơi hay nhờ có sự kết nối của VTCN đã có một số đoàn từ thiện của Việt Ly, của Khách sạn Fortuna hay công ty Galellio đã giúp đỡ các điểm trường phần nào cả về vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể XDH cũng được 3-4 lần tặng quần áo, giày ủng, bánh kẹo, đồ dùng học tập, đặc biệt XDH còn được xây dựng một bể chứa nước với đường dẫn từ trên núi xuống, được làm một nhà ăn + bếp nấu và hai lớp học Mầm non  do VTCN, Argribank, đoàn Việt kiều Mỹ của Việt Ly trợ giúp. Hồ Nhì Pá cũng được đoàn Việt Ly tặng quà hai lần cho trẻ em và dân nghèo, làm một lớp học mới cho Mầm non. Háng Á cũng được tặng quà và xây một lớp học cho Mẫu giáo. Còn Háng Đề Sủa cũng được đoàn Việt Ly tặng quà một lần và Khách sạn Fortuna đến thăm tặng nhiều hiện vật thiết thực và tổ chức Tết Trung thu cho các em HĐS.

Riêng Củ Dể Xeng, chưa làm được gì,  cảm thấy như có lỗi,  như còn mang nợ với thầy trò nơi đây, thâm tâm luôn nghĩ có cơ hội nào giúp được thì CDX sẽ là Number One. Và rồi cơ hội ấy đến thật.  Tổng Giám Đốc Khách sạn Câu Lạc Bộ Hà Nội ở đường Yên Phụ là em trai của Tổng Giám đốc Khách sạn Fortuna, người mà được VTCN giới thiệu lên làm từ thiện ở Háng Đề Sủa cũng muốn làm từ thiện trên miền núi cao mà không biết nơi nào để làm. Khách sạn này có thế mạnh là có một đội quân xây dựng và muốn xây trường từ A đến Z. Khi được hỏi mình nghĩ ngay đến Củ Dể Xeng nhưng lại nghĩ nơi đây chỉ cần cải tạo thôi chứ lấy đâu ra  đất để xây. Lúc ấy mình cho rằng Háng Đề Sủa là ứng cử tốt nhất cho việc xây trường vì trường lớp ở HĐS tang thương quá , nơi ấy lại có địa thế đẹp nằm giữa một thung lũng bên cạnh một dòng suối có đất để xây trường mới. Nhưng khi trao đổi với Nguyệt (người đọc blog của mình) là nhân viên của KS CLB HN thì cháu cho biết sếp này không muốn dẫm vào vết chân của ông anh ở KS Fortuna. Họ chỉ muốn làm một mình ở một nơi chưa có ai làm gì. Vậy thì chỉ còn Củ Dể Xeng và Cáng Dông lọt vào tầm ngắm.

Khi đoàn của KS CLB HN đến Củ Dể Xeng khảo sát, họ đồng ý dừng chân nơi đây ngay và chủ trương lát toàn bộ các lớp học, cung cấp bình đựng nước Sơn Hà 2.000 lít  và một máy Thái Dương cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Thôi, thế cũng tốt. Củ Dể Xeng cũng sẽ thay đổi bộ mặt phần nào, lớp học đỡ bụi bậm khi những cơn gió lùa thổi tung bụi vào các lớp, trò cũng có nước sạch để dùng hàng ngày và nhất là mùa đông sẽ có nước nóng sử dụng đỡ buốt giá chân tay.

Cậu Hân, người Quảng Nam là kỹ sư trưởng phụ trách về xây dựng của KS thường xuyên gọi điện trao đổi với mình về tình hình vật liệu, giá cả, cách thức tổ chức, cách làm việc với Ban Giám hiệu trường XDH. Mình luôn nhấn mạnh tuy là giúp đỡ là làm từ thiện, nhiều khi vẫn phải gây áp lực với trường để họ tác động tới phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương cùng chung tay thực hiện cải tạo Củ Dể Xeng.

Thời gian bẵng đi, mình cũng có quá nhiều việc phải làm và cũng yên tâm có đội Xây dựng của KS kết hợp với nhà trường lo liệu mọi thứ ổn thỏa nên ít liên hệ với cả hai phía chứ không như lần làm lớp học ở XDH, HNP và HA thì mình còn phải chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ nên khá vất vả.  Hôm nay hiệu trưởng XDH gọi điện cảm ơn cô và thông báo công trình trường mới Củ Dể Xeng sắp hoàn thành. TRƯỜNG MỚI? Nghe mà không tin vào tai nữa. Bất ngờ quá, không phải là cải tạo CDX như dự kiến mà là một điểm trường mới sắp  hiện diện giữa núi đồi bạt ngàn của bản Củ Dể Xeng. Quả là một tin vui mừng lớn nhất kể từ khi đi làm từ thiện mấy năm nay. Thì ra trường được địa phương cấp cho một khu đất mới để xây dựng trường và cũng thỏa mãn ước nguyện của KS CLB HN. Có thể nói CDX bây giờ còn to đẹp hơn cả điểm trường chính XDH. Thầy hiệu trưởng Nguyên tha thiết mời cô lên thăm CDX, mình bảo cô cũng vừa lên MCC cách đây một tháng, Nguyên cứ trách sao không báo để đón cô lên thăm CDX. Quả thật nếu có thời gian mình cũng muốn đến nhưng đợt đi Khau Phạ và Nậm Khắt vừa rồi, không còn có thời gian để thở nói chi thăm thú nơi nào.

Vội vàng gọi điện luôn cho Kỹ sư trưởng Hân và được biết trong vòng thời gian gần ba tháng KS CLB HN đã tiến hành xây dựng trường mới ở nơi đây. Hóa ra đội quân xây dựng của KS cũng không thể trực tiếp lên xây dựng trường học được. Nơi ăn, chốn ở cho công nhân và kỹ sư đã là một vấn đề, lại công vận chuyển vật liệu với đường sá cheo leo khấp khuỷu gập ghềnh như thế thì thì mọi chi phí sẽ tăng lên không thể hình dung được. Nhớ có lần có nhà thiết kế đưa ra số tiền hai tỉ rưỡi cho một khu trường xây dựng trên núi làm mình và các nhà tài trợ bị sốc nên KS CLB HN phải lựa chọn hoàn toàn theo cách làm của VTCN trong việc xây dựng hai lớp Mầm non ở XDH và lớp học MN ở Hồ Nhì Pá là hoàn toàn hợp lý, nghĩa là cùng nhau xem xét bàn bạc dự toán một cách khả thi nhất rồi giao cho nhà trường thuê thợ làm, KS CLB HN có trách nhiệm thường xuyên lên kiểm tra theo dõi giám sát và chi tiền.

                         Điểm trường mới Củ Dể Xeng đây. ( Ảnh do kỹ sư Hân gửi cho)


                                         Trông khang trang quá. (Ảnh do Hân chụp)

 Khu trường mới này bao gồm 7 lớp học và một nhà vệ sinh. Riêng hai lớp học Mẫu giáo làm rộng hơn so với các lớp khác vì có số lượng hơn sáu chục cháu ở tuổi Mẫu giáo.  Hiện tại khu trường đã làm xong, đang đi vào phần hoàn thiện. Tổng cộng chi phí xây dựng có một phần nhỏ đóng góp của địa phương lên đến gần 400 triệu. Tới đây KS sẽ trang bị toàn bộ thiết bị điện cho mỗi lớp học và nhà vệ sinh, toàn bộ bàn ghế, bảng cho các lớp và kéo đường nước từ trên núi xuống cũng như các thiết bị vệ sinh. Tổng số tiền sẽ lên tới xấp xỉ 500 triệu. Một con số không hề nhỏ. Đổi lại một ngôi trường mới khang trang với trang thiết bị mới, văn minh vệ sinh sẽ giúp cho thầy trò Củ Dể Xeng có điều kiện dạy và học tốt hơn. Chắc chắn con em dân tộc nơi đây sẽ càng phấn khởi đi học đều hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với các em.

                                   Nhà vệ sinh đang được xây dựng. (Ảnh Hân chụp)

                           Trường đang đi vào phần hoàn thiện.(Ảnh Hân gửi cho)

Từ nay Củ Dể Xeng không còn phải lo lắng về trường lớp nữa rồi. Có thể nói trường đã ra trường, lớp đã ra lớp thật rồi. Có cả sân chơi rộng rãi sach sẽ nữa. (Ảnh Hân gửi cho)


Hân cho biết tháng Chín tới vào đầu năm học mới sẽ khánh thành khu trường mới Củ Dể Xeng và mời mình lên dự lễ khánh thành. Thời gian đó con dâu mình sinh cháu, chưa chắc đã đi được. Dù sao mình cũng thấy rất rất vui với thầy trò CDX và KS CLB HN. Chúc mừng KS CLB HN đã làm được một công trình để đời. Chúc mừng thầy trò CDX có trường lớp mới. Tin chắc rằng thầy trò CDX sẽ gặt hái được nhiều thành tích mới trong sự nghiệp trồng người ở miền Tây Bắc xa xôi.

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

PHÂN LOẠI SÁCH GIÁO KHOA MANG LÊN VÙNG CAO



Những ngày hè oi nồng ngột ngạt của tháng Sáu “Nước như ai nấu / Chết cả cá cờ” cũng không làm các thành viên VTCN ngại ngùng đi phân loại và đóng gói SGK để mang lên cho các em bé vùng cao.
Thứ nhất, chúng tôi thu gom được rất nhiều SGK chủ yếu từ hai điểm trường của trường Lương Thế Vinh với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy Văn Như Cương và hai con gái thầy là Liên Na, Thùy Dương cũng như của thầy trò nơi đây. Trường PTTHCS Giảng Võ với sự nhiệt tình của cô Hoàng Minh Tuệ và các trò cũng ủng hộ khá nhiều SGK. Ngoài ra rất nhiều các cá nhân cũng tự nguyện mang SGK đến cho chúng tôi như cô giáo Thủy ở Uy Lỗ, Đông Anh, An Dao ở trường Đoàn Thị Điểm, một cá nhân của trường Trung Tự và rất rất nhiều những tấm lòng nhân ái quan tâm đến hoạt động của VTCN và quan tâm tới việc học hành của trẻ em miền núi mà chúng tôi không thể kể hết tên ra được. Số lượng khổng lồ SGK này được tập kết tại nhà bạn Phương Liên, một thành viên tham gia nhóm chưa lâu. Nhìn số lượng hàng không chỉ SGK mà còn quần áo, đồ chơi, chăn đệm chất đống ở nhà PL ngốt ngát mà ái ngại, mà áy náy. Chúng tôi chỉ muốn làm sao giải phóng số SGK càng nhanh càng tốt.

Thứ hai, công việc này cũng cần phải tiến hành ngay trong hè để trước thềm năm học mới, ta biết chắc chắn SGK đã sẵn sàng đến được tận tay các em học sinh vùng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô và học sinh trong việc dạy và học vốn đã có biết bao khó khăn gian khổ rồi. Thiếu gì thì còn có thể bằng cách này cách khác khắc phục được, chứ thiếu SGK thì các em học bằng gì, thầy cô dạy ra sao cho theo đúng chương trình phổ cập ở miền núi. Tin tức trên truyền hình năm nào với hình ảnh lũ lụt hoành hành cuốn trôi mọi thứ, một em nhỏ vớt được quyển sách ướt nhàu ôm khư khư với ánh mắt thảng thốt nuối tiếc xót xa cứ ám ảnh người xem muốn bù đắp những mất mát mà các em phải chịu đựng. Các em học sinh miền núi cũng vậy luôn thiếu thốn SGK. Và SGK ở Hà nội đã có sẵn rồi, tại sao ta không nhanh chóng chuyển đi cho các em nhỉ.
                            Ai cũng miệt mài chăm chỉ làm việc bất chấp thời tiết nóng nực.

                           Rất nhiều các gương mặt mới của VTCN và các tình nguyện viên.

                                                  Một tình nguyện viên hôm 16/6.

Với hai lý do chủ yếu đó, nhóm VTCN ở Hà Nội đã tiến hành phân loại, đóng gói SGK tại ô 58, lô 6, ngõ 41 đường Hồng Hà, Hà Nội. Điểm nổi trội của hai ngày Chủ Nhật  9/6 và 16/6 là xuất hiện nhiều gương mặt mới của VTCN và các tình nguyện viên. Nhiều thành viên lớn tuổi là bà nội bà ngoại vẫn miệt mài tham gia không thua kém gì các bạn trẻ. Còn các bạn trẻ nhất là các bạn nam, đương nhiên phát huy thế mạnh của mình để khuân vác, bưng bê, đóng gói tạo nên những bao sách gọn đẹp trông thật bắt mắt.
 
      Các chồng sách được phân loại theo từng bộ cho từng khối lớp cứ dần dần tăng cao.

Những chiếc bao dày dặn do Hoa Thương mua tặng được các bạn nam đóng gói gọn đẹp.
                                59 bao SGK đã được đóng gói sẵn sàng cho chuyến đi MCC.

Kết quả của hai ngày làm việc được thể hiện qua những con số rất đáng vui mừng. Tổng cộng số SGK thu gom được khoảng 4 tấn, trong đó chỉ có 2/3 là số SGK cơ bản cần thiết cho nhu cầu của học sinh vùng cao. Số SGK ấy chúng tôi phân loại ra được 822 bộ SGK cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 được đóng gói trong 59 bao, chưa kể những đầu sách dư thừa không tạo thành bộ cũng được đóng gói để chuyển đi cho các em. Đáng tiếc trong số sách thu gom có tới 1/3 là số sách nâng cao và sách cấp III không sử dụng được vì chúng tôi lần này chỉ hỗ trợ SGK cho cấp I, cấp II. Sách nâng cao thì cao quá không phù hợp với trình độ học sinh miền núi. Con số 1,3 tấn sách này giá đều là sách cơ bản hoặc đổi ra sách cơ bản thì có đến mấy trăm em có thêm sách dùng.

Tuy nhiên có kinh nghiệm xử lý vấn đề này từ năm ngoái, chúng tôi nhanh chóng giải quyết công việc này một cách gọn nhẹ. Dĩ nhiên sẽ không dễ dàng gì nếu không có xe ô tô của hai vợ chồng Nguyễn Chi, một thành viên mới toe của VTCN, chuyển hai chuyến xe đến đường Láng và em Trần Thủy đã từng đi bán sách kiểu này thì cũng là vấn đề nan giải. Hãy hình dung một tấn ba sách với khoảng hơn hai chục bao cồng kềnh sẽ mất bao nhiêu chuyến xe máy để có thể chuyển đi hàng chục cây số trong tiết trời nắng nóng mới thấy có ô tô tiện lợi như thế nào trong tình huống này. Nguyễn Chi tuy là thành viên mới vừa tham gia nhóm nhưng rất nhiệt tình. Bạn í bảo lần sau khi cần gì thì cứ a lô cho phu quân của bạn í là anh Hồng người tình nguyện viên cũng đã rất nhiệt tình tham gia đóng góp cho nhóm hôm nay. Những số sách cuối cùng thừa ra cũng được một bác đồng nát mua với giá làm từ thiện. Tóm lại,  toàn bộ số sách nâng cao và sách cấp III cũng được quy ra tiền tươi thóc thật xung quỹ nhóm là 5.633.000đ


                      
                                         Khiêng sách nâng cao ra xe mang đi bán.

                              Phu quân em Nguyễn Chi chuẩn bị chở sách đến đường Láng.

Với gần nghìn bộ sách như đã nói ở trên so với nhu cầu của Mù Cang Chải thì thật nhỏ bé. Theo Tuyết Anh, số lượng đó mới chỉ cung cấp gần đủ cho hai trường Khao Mang và Dế Xu Phình. Sẽ phải lấy số tiền bán sách có được mua thêm cho đủ yêu cầu của họ. Riêng sách lớp 6 thì lại quá nhiều so với nhu cầu nên sẽ liên hệ với hai trường khác nữa để mang đến cho họ.
 
Cả hai hôm phân loại và đóng gói SGK, các thành viên VTCN đều được chủ nhà Phương Liên chăm sóc chu đáo, nước uống, quạt mát đầy đủ, đặc biệt là bữa trưa 9/6 với bún riêu cua, nem, đậu rán cùng bia giúp cho mọi người thêm vui vẻ phấn khởi quên đi nóng bức mệt nhọc. Buổi trưa 16/6 PL cứ đề nghị nấu cơm cho mọi người, nhưng không ai muốn phiền gia chủ thêm nữa nói sẽ tự túc. Tuy thế trong khi mải mê làm việc chưa kịp dừng tay nghỉ ngơi đã thấy em trai PL mang bánh mì kẹp thịt, nước bưởi ép và dưa hấu đến rồi. Còn biết làm gì hơn ngoài lòng biết ơn với cô chủ xinh đẹp và vô cùng chu đáo này. Bạn Kiên còn mang hoa sen và rất nhiều vải ra mắt nhóm nên mọi người đã có một bữa trưa cũng rất vui vẻ để có thể làm tiếp thêm buổi chiều.
                        Bữa ăn trưa thân mật hôm 9/6 do chủ nhà Phương Liên chiêu đãi đây.

                                                       Bữa trưa giản dị hôm 16/6.
Phương Liên là thành viên mới tham gia nhóm khoảng chừng 2 tháng và mình cũng gặp bạn í chừng 2 tháng trong buổi offline với nhóm Sống Hướng Thiện tại quán Cafe Nấm trên đường Ngọc Khánh. Thực ra mình nghe tên bạn í với Công ty bao bì Thăng Long từ rất lâu rồi. Các chuyến đi từ thiện ở Mèo Vạc, Hà Giang, Kim Bon, Sơn La, Quảng Phú, Thọ xuân, Thanh Hóa, Phúc Lộc, Bắc Kạn hay trại Phong ở Sóc Sơn gần đây nhất Công ty Bao bì Thăng Long mà PL là Phó Giám đốc luôn luôn là nhà tài trợ lớn cho mỗi chuyến đi. Một thành viên của SHT là nhân viên của công ty kể rằng khi đi cứu trợ lũ lụt cho Quảng Phú, Thọ Xuân, Thanh Hóa chỉ dám xin sếp cho gần 700 hộ dân nơi đây mỗi hộ 2 kg gạo thì sếp bảo 2 kg gạo thì làm ăn được gì, cho mỗi hộ ít nhất là 5 kg. Và thế là gần 4 tấn gạo với một chuyến xe tải đi tới vùng lũ cùng với mắm muối, mì tôm, đường sữa, quần áo, toàn những thứ thiết thực đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” là thế.

Hôm cùng với PL và mấy thành viên SHT tới một số nơi là khách hàng của Công ty Bao bì Thăng long xin tài trợ cho chuyến ủng hộ phản, chăn cho Khau Phạ và Púng Luông ở Mù Cang Chải, cháu ngỏ ý muốn tham gia nhóm VTCN để học hỏi kinh nghiệm và thật tuyệt vời khi nghe cháu nói các hàng hóa quyên góp được cứ mang đến nhà cháu. Vấn đề kho chứa hàng luôn là vấn đề bức xúc ngay từ những ngày đầu khi năm chị em blogger chúng mình bắt tay vào làm từ thiện. Nhớ có lần hàng ùn ùn từ thành phố HCM chuyển ra làm Hạnh Nguyên đau đầu. Có lần 2 tấn quần áo được chuyển đến nhà mình cùng một lúc. Xoay sở được với số hàng ấy đâu có dễ khi mà cái bếp bé tí tẹo nhà mình đã kín hết chỉ còn mỗi một chỗ bé tí chen chân để nấu nướng. Vậy là chỉ còn mỗi cách là nói khó với nhà để xe của trường ĐHKHXH&NV để nhờ. Bây giờ mọi cái trở nên dễ dàng và chủ động hơn khi có kho nhà PL. Ngay số hàng mọi người đưa đến nhà mình từ trước Tết đáng ra để mang đi Phúc Lộc, Bắc Kạn nhưng chuyến đi ấy SHT có quá nhiều hàng quyên góp nên không cháu nào đến chuyển đi. Rồi tiếp đến SGK, đồ chơi cứ tiếp tục chất kín góc bếp. Số hàng ấy nằm lưu cữu ở nhà mình có đến gần nửa năm vậy mà chỉ cần có một chuyến xe PL cho anh Phương đến lấy mà đã “trả lại tên” cho nhà bếp của mình.

Thật không ngoa khi Hoa Thương, một thành viên của VTCN và SHT nói rằng SHT và VTCN thật may mắn có Phương Liên. Ngay chuyến đi mang SGK lên Mù Cang Chải lần này cũng không còn là vấn đề phải tính toán xem nên làm gì gửi theo đường xe ca có người đi giám sát hay thuê một chuyến xe có người đi kèm bởi khi đặt vấn đề này ra PL nói ngay thuê xe hay gửi theo xe ca làm gì cho tốn kém, công ty cháu có xe tải có thể chuyển SGK đi được. Thế là OK về xe cộ, còn người đi áp tải giám sát trao SGK đã có hai ứng cử viên là bạn Trường Vân là người có kinh nghiệm trong nhóm đã từng đi lên MCC và bạn Kiên thành viên mới rất nhiệt tình của nhóm.
                                    Ai cũng vui mừng trước kết quả của hai ngày làm việc.
Mọi cái về cơ bản là ổn, chỉ còn mua thêm SGK cho đủ số hai trường yêu cầu, Phương Liên làm nốt LOGO dán vào các bao là chuyến đi có thể xuất hành vào cuối tháng Sáu. Các thầy cô hiệu trưởng nhận sách, bảo quản đến đầu năm học là phát cho các cháu. Năm học mới với số học sinh có đủ sách dùng sẽ là điều kiện rất tốt cho thầy trò vùng cao thực hiện sự nghiệp gieo con chữ tới những đứa trẻ đang khát khao thay đổi cuộc đời. Và VTCN thật vui mừng góp một phần nhỏ bé trong sự nghiệp ấy.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

"Bữa cơm có thịt" đã đến với các em nhỏ Suối Giàng




Thứ bảy 01/10/2011 06:12
(GDVN) - Bất chấp mưa bão, sáng sớm 1/10, đoàn công tác đặc biệt báo Giáo dục Việt Nam và nhiều nhà hảo tâm vẫn lên đường mang tiền và quà đến Suối Giàng.
12h trưa 1/10, đoàn công tác đặc biệt của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cùng các nhà hảo tâm đã có mặt tại Suối Giàng (Yên Bái).

Trong tiết trời mưa phùn, gió rét, bão ùa về..., thầy và trò trường dân tộc nội trú Suối Giàng đã chào đón đoàn Báo Giáo dục Việt Nam trong niềm vui hoà lẫn nước mắt.
Đoàn xe của đoàn công tác báo Giáo dục Việt Nam và các nhà hảo tâm bất ngờ phải dừng dọc đường trên đoạn đường đèo dốc

Đoàn công tác đặc biệt phải đẩy từng chiếc xe qua đoạn đường đèo dốc, lổn nhổn đá

Dũng cảm vượt qua đường đèo dốc hiểm trở, nguy hiểm trong mưa lũ chỉ bởi ngọn lửa tình yêu thương đang đốt cháy trong tim mỗi người

Hoa hậu Lisa Vân Anh vui vẻ chia từng chiếc cặp tóc cho các em nữ

Cô Anh Thơ trao số tiền mà những nhà hảo tâm do bà đại diện dành tặng các em học sinh trường THCS dân tộc nội trú dân nuôi Suối Giàng

Chiếc ti vi do Siêu thị điện máy Media Mart trao tặng mang đến nhiều niềm vui bất ngờ cho các học sinh tại đây. Có lẽ, hiếm có ở nơi đâu, chiếc tivi lại trở nên 'đặc biệt' như tại ngôi trường nội trú dân nuôi này.

"Lâu lắm rồi, chúng cháu mới được ăn ngon thế này!"

Hoa hậu Ngọc Hân cùng chia ngọt, sẻ bùi với các em nhỏ

Ông Nguyễn Tiến Bình - Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam trao quà cho các cháu trường THCS bán trú dân nuôi Suối Giàng

Cô Anh Thơ, nguyên giảng viên trường ĐHQG Hà Nội cùng nhiều nhà hảo tâm trao áo ấm tới tận tay các cháu

Ông Bùi Ngọc Cải - Phó Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam chung vui bữa cơm trưa, cũng là một trong những phần quà mà báo dành tặng các cháu từ chương trình 'Vượt bão lũ đến Suối Giàng'



Chị Phạm Thái Hà - TGĐ Hệ thống lập trình viên Quốc tế Bachkhoa-Aptech chuyện trò, cùng ăn cơm trưa với các học sinh trường THCS dân tộc nội trú Suối Giàng


Thành viên đoàn công tác đặc biệt của Báo Giáo dục Việt Nam dành tình cảm ân cần tới những học sinh phải học xa nhà, điều kiện sống còn nhiều khó khăn

Đoàn phóng viên có buổi trao đổi về giáo dục miền núi với UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Hành trình mang "Bữa cơm có thịt" đến Suối Giàng

Trước đó, 12h đêm 30/9: Sáng sớm ngày 1/10, Đoàn công tác Hành trình "Bữa cơm có thịt" mang tiền và quà cho học sinh nghèo mới ngược Suối Giàng, nhưng từ đêm, các phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã không ngủ được. Nhà xa, sợ đến muộn nên họ đã ở lại cơ quan để chuẩn bị những khâu cuối cùng cho chuyến công tác vượt bão số 5.
Phóng viên Ban Xã hội ngủ gục trên mặt bàn

Quà và hàng hoá đã để kín trong nhà để xe của Báo GDVN


Trong khi đó, một mũi khác, xe đón các nhà hảo tâm đến tòa soạn, xuất phát từ rất sớm.

5h00 sáng
, chiếc taxi 7 chỗ đã có mặt tại nhà số 2 ngõ 336 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) để đón cô Anh Thơ, một giảng viên ĐH đã nghỉ hưu được 7 năm nhưng vẫn miệt mài làm từ thiện.

Đi theo cô là 500 quần, áo mới và 12.250.000đ mà cô và các Bloger Hạnh Nguyên, Đặng Tuyết Anh (Hà Nội), Siren, chị Thủy, anh Thắng (Sài Gòn), chị Thanh Chung (đang ở Mỹ) đã quyên góp được từ các nguồn khác nhau.

Rời ngõ 336, xe đi tiếp đến Hoàng Cầu đón chị Mai Lan Hương, một nhà hảo tâm đã góp 2 tạ gạo cho chương trình và đang hoàn thành việc quyên góp những khoản tài trợ lớn hơn.

Chị Hương định đưa con gái nhỏ 4 tuổi đi cùng để cháu thấu hiểu sự khốn khó của các bạn học sinh vùng cao, nhưng vì hành trình quá xa xôi, nên các thành viên trong đoàn khuyên chị nên để con ở lại.

Hai nhà hảo tâm: cô Anh Thơ và chị Mai Hương

Một mũi công tác khác đã "bắt kịp' Hoa hậu Ngọc Hân lúc 5h00 sáng trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội). Hoa hậu đã có một sự cố gắng tuyệt vời và cảm động để có mặt trong hành trình này, bởi đêm qua cô mới trở về Hà Nội sau hành trình mệt mỏi từ Sơn La.

Cùng đến với Hoa hậu Ngọc Hân, là kíp phóng viên Kênh 1 của Đài TH VTC đồng hành thực hiện phóng sự về chuyến đi cảm động này.

Như đã thông báo, hành trình đầy ý nghĩa này còn có sự tham gia của Hoa hậu thân thiện Liasa Vân Anh.
Tổng biên tập Nguyễn Tiến Bình vui mừng khi biết các hoa hậu sẽ cùng tham gia hành trình từ thiện này

5h30 sáng. Hàng hóa quà tặng đã chuẩn bị sẵn sàng để khởi hành.




Báo GDVN và các nhà hảo tâm lên đường đến Suối Giàng

9h, đoàn dừng chân tại Thị trấn Thu Cúc, Phú Thọ. Hoa hậu Ngọc Hân theo dõi tường thuật trực tiếp về chuyến đi của đoàn công tác trên Ipad.
Hoa hậu Ngọc Hân theo dõi thông tin cập nhật tới độc giả


 
 

 





 





 TP HCM

- 01/10/2011 20:34
Hình ảnh đoà

 
2. Nguoi dan - 01/10/2011 20:03
Rất cảm kích tấm lòng hảo tâm của tất cả mọi người. Nhưng tôi nghĩ thay vì tất cả đổ dồn về SUỐI GIÀNG, thì CHÚNG TA NÊN TÌM ĐẾN RẤT NHIỀU NƠI KHÁC GIỐNG NHƯ SUỐI GIÀNG CẦN GIÚP ĐỠ.
3. Hữu Luận - 01/10/2011 19:58
Không biết nói gì hơn là Cảm ơn báo Giáo dục Việt nam.Chúc các anh, chị của tòa báo mạnh khỏe và hạnh phúc trong cuộc đầy nhân ái của mình.
4. Hoa Le - 01/10/2011 19:46
Tôi cũng đã đến đây, đã chơi với các cháu nhưng chẳng làm được gì cả. Tôi chỉ muốn nói rằng TUYỆT VỜI, cảm ơn những tấm lòng của mọi người - cảm ơn anh Tuấn.
5. Bùi Văn Thức - 01/10/2011 18:33
Cám ơn, cám ơn báo Giáo dục nhiều lắm, thật sự rất rất cám ơn, tình cảm này, tấm lòng này.... mong cho các em nhỏ trên khắp mọi miền đất nước sẽ không còn sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo khổ nữa. Báo Giáo dục ơi, cảm động và hy vọng. Cái tên Giáo dục thật ý nghĩa, hành động này đã nói lên ý nghĩa của 2 chữ ấy.
Chân thành cám ơn tất cả mọi người đã giúp các em nhỏ này, mong thật nhiều người nữa cũng sẽ tiếp sức với quý báo để thắp sáng tương lai cho những em nhỏ này
Thật... cảm động quá!
6. Trịnh Thị Hằng - 01/10/2011 17:53
Cảm ơn sự lên tiếng của mỗi con người có lương tâm. Mong rằng những đoàn người và những chuyến hàng lên miền núi này được xem là việc làm thường xuyên của tất cả xã hội.