Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHẢN VÀ CHĂN CHO TRƯỜNG MẦM NON MỒ DỀ, XÃ MỒ DỀ, HUYỆN MÙ CĂNG CHẢI




Ngay sau khi kế hoạch hỗ trợ phản và chăn cho trường Mầm non Mồ Dề được đưa lên blog cá nhân của các thành viên trong nhóm cũng như trang chủ của nhóm Vì ta cần nhau, chúng tôi đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ bạn bè gần xa mà rất nhiều người trong số đó đã trở thành những “nhà tài trợ” thường xuyên cho mỗi hoạt động của chúng tôi. Thông tin cụ thể về đóng góp tiền xin được xem trong Sổ kế toán hàng tháng, được đều đặn cập nhật trên trang của nhóm Vì ta cần nhau.
Công việc được tiến hành hết sức khẩn trương. Nhóm tiếp tục đặt đóng 30 chiếc phản cho các điểm lẻ còn lại, và đến cuối tháng 1 thì toàn bộ 47 chiếc phản đã được bàn giao đến các điểm lẻ của trường Mầm non Mồ Dề.

Thầy giáo chuyển phản từ trung tâm thị trấn lên điểm trường




Song song với việc hỗ trợ phản, nhóm cũng đồng thời đặt mua chăn, để với mỗi một chiếc phản, các bé sẽ được hỗ trợ thêm 1 tấm chăn phủ, đảm bảo giấc ngủ trưa ấm áp. 
 Những tấm phản mới
Các bé giờ nằm ngủ đã có cả phản và chăn lót bên dưới

Để thực hiện chương trình này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều hỗ trợ để chi các khoản sau:

1.      Tiền đóng phản: 47 chiếc * 350.000 = 16,450,000
2.      Tiền mua chăn: 47 chiếc * 100.000 = 4,700,000
3.      Tiền vận chuyển chăn: 800,000 (Tạm tính, do nhóm vận chuyển toàn bộ 200 chiếc chăn từ Hà Nội lên Mù Căng Chải hết tổng cộng 3,300,000)
                                                        Tổng số: 21,950,000
 
Như vậy, với gần 22 triệu, đã có khoảng 250 em bé được ngủ giấc trưa ngon lành và hy vọng sẽ bớt ho hắng, sổ mũi do nhiễm lạnh.

Trong lá thư cảm ơn gửi đến nhóm Vì ta cần nhau, cô Lim, Hiệu trưởng trường Mầm non Mồ Dề, xã Mồ Dề viết:

“Qua thầy giáo Dũng và cô giáo Ban nhà trường đã được biết nhóm "Vì ta cần nhau" là nhóm giầu lòng nhân ái hay giúp đỡ các em nhỏ khó khăn không có điều kiện học tập, nhất là những em học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Sau thời gian tìm hiểu, trao đổi, thương cảm các cháu nhỏ trường Mầm Non xã Mồ Dề không có bàn ghế để ngồi học tháng 12/2012 nhóm đã ủng hộ các cháu ở bản Chống Màng Mủ 31 bộ bàn ghế  với trị giá trên 17 triệu đồng và nhiều quần áo, đồ chơi, bánh kẹo. Và đến tháng 1+2/2013 nhóm đã ủng hộ nhà trường và các em học sinh 47 chiếc phản ngủ cùng với 47 chiếc chăn cho các nhóm lớp ở các bản lẻ của nhà trường.
 Thay mặt cho các bé và phụ huynh học sinh ở xã Mồ Dề, Ban giám hiệu nhà trường và toàn thể CB-GV trong trường Mầm Non Mồ Dề xin chân thành cảm ơn tấm lòng nhân hậu của chị Anh Thơ và toàn thể các anh, chị thành viên trong nhóm "Vì ta cần nhau" đã quan tâm và giành nhiều tình cảm đối với các cháu bé mầm non trong nhà trường và đã không quản ngại đường xá xa xôi đến thăm và tặng quà cho các bé. Nhân dịp đầu xuân năm mới nhà trường xin gửi tới các anh chị và các thành viên trong nhóm lời chúc sức khoẻ - hạnh phúc – An khang thịnh vượng, chúc cho nhóm “Vì ta cần nhau” ngày một phát triển hơn nữa.”
Về phía chúng tôi, nhóm Vì ta cần nhau cũng muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả bạn bè gần xa đã nhiệt tình ủng hộ chúng tôi, để chúng tôi làm chiếc cầu nối thành công, hỗ trợ đôi phần nhỏ bé cho các em bé thiệt thòi vùng cao. Công việc của chúng tôi sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự giúp đỡ dù lớn, dù nhỏ từ rất nhiều người bạn mà chúng tôi chưa hề gặp ngoài đời. Mạng thì ảo nhưng tình người lại rất thật. Muốn nói lời cảm ơn đến các bạn thật nhiều lần.
Ngay tiếp theo sau đây, nhóm Vì ta cần nhau đã lên kế hoạch tiếp tục hỗ trợ phản cho 3 trường Mầm non khác của huyện Mù Căng Chải, gồm trường Mầm non Kim Nọi, xã Kim Nọi, trường Mầm non Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải và trường Mầm non Sao Mai, xã Dế Xu Phình và mong muốn là việc hỗ trợ đến được với tất cả các trường mầm non còn lại trong huyện Mù Căng Chải. Bài viết kêu gọi đã đươc đưa lên ở đây. Ngoài ra, các trường Mầm non ở miền núi nói chung còn rất thiếu đồ dùng học tập. Mọi sự đóng góp về tranh ảnh, đồ dùng học tập cho lứa tuổi mầm non, mẫu giáo đều được nhiệt liệt hoan nghênh. Rất mong các bạn tiếp tục chung tay với chúng tôi.
Mọi đóng góp xin gửi về:

Đặng Tuyết Anh, chủ tài khoản của nhóm Vì ta cần nhau. Số tài khoản: 128038189 Ngân hàng ACB phòng giao dịch Hoàng Cầu số 6-7-8, dãy B khu Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa Hà Nội. Số ĐT của Tuyết Anh: 0914558472.

Những ủng hộ bằng hiện vật xin liên hệ:

Ngô Anh Thơ: Nhà số 2, ngách 23, ngõ 336 Nguyễn Trãi Thanh Xuân Trung Thanh Xuân Hà Nội, điện thoại 0915228457, hoặc
Đặng Tuyết Anh: 11/141, phố Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, điện thoại như trên
hoặc qua địa chỉ e-mail tuyetanhd@yahoo.com.vn/anhtho3649@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

CẦN LẮM NHỮNG CHIẾC PHẢN VÀ CHĂN CHO CÁC TRƯỜNG MẦM NON HUYỆN MÙ CANG CHẢI TỈNH YÊN BÁI

Qua Rằm tháng Giêng rồi, nghỉ Tết cũng khá dài, nhóm Vì ta cần nhau vừa bắt tay khởi động lại chương trình hỗ trợ phản nằm và chăn cho các trường Mầm non huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái mà nhóm đã đang và sẽ thực hiện.

Trong thực tế, tháng Một vừa rồi nhóm đã chuyển cho các lớp Mầm non của trường Mồ Dề, MCC 47 chiếc phản trị giá 16.450.000đ và tháng Hai chuyển 47 chiếc chăn trị giá 4.700.000đ. Tính cả tiền vận chuyển chăn từ Hà nội lên mất 800.000đ, tổng cộng hết 21.950.000đ. Nhờ sủng h của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, với số tiền trên nhóm VTCN đã giúp cho 250 cháu bé của trường Mầm non Mồ Dề có phản và chăn kịp thời trong những ngày lạnh giá. Cô và trò Mồ Dề vô cùng phấn khởi gọi điện cho biết phản đẹp chắc chắn (có kích thước hợp lý, dài 2 m, rộng 1,2 m, cao 80cm), các cháu ngủ trưa thoải mái, có chăn ấm đắp không bị lạnh, ngủ rất ngon. Đây là một nhu cầu hết sức cấp thiết đối với trẻ em miền núi vì khí hậu nơi đây hầu như lạnh quanh năm, bao giờ cũng cần phản và chăn. Người viết bài này đã từng nhiều lần đến trường Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, MCC thì đều chứng kiến cả điểm chính XDH và các điểm lẻ như Củ Dể Xeng, Háng Đề Sủa và Hồ Nhì Pá không nơi nào có phản và chăn cho các bé, nếu có mấy chiếc chăn thì đều cũ kỹ và không sạch sẽ gì. Vậy xin những ai đọc bài viết này hãy dừng lại một chút để suy ngẫm về những em bé 3, 4, 5 tuổi nằm co ro trên chiếc chiếu trải trên nền đất không chăn đắp trong những ngày rét mướt tê buốt cắt da cắt thịt như năm ngoái, đến người lớn chúng ta trong phòng ấm có chăn có đệm mà đôi lúc vẫn cảm thấy không thể chịu đựng nổi thì sẽ thấy các em bé Mầm non trên miền núi đáng thương như thế nào.

 Đây là bức hình ghi lại lớp học của các bé 3 tuổi ở Chống Màng Mủ, Mồ Dề dịp tháng Tám năm 2012 khi nhóm VTCN lên tặng bàn ghế cho hai lớp Mẫu giáo 5 tuổi ở bên cạnh. May mà các cô giáo nơi đây còn góp tiền mua mấy tấm xốp trải lên nền đất cho các cháu đỡ lạnh. Các bạn thấy không, có đến ba bốn cháu đối diện còn không có quần mặc.

Cả huyện Mù Cang Chải ở Yên Bái có 14 xã (với 15 trường), nhóm chúng tôi đã hỗ trợ được một xã Mồ Dề. Hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch hỗ trợ trường Xéo Dì Hồ là nơi một năm nay nhóm từng gắn bó hỗ trợ về nhiều phương diện như bể nước, bếp ăn, lớp học và các nhu cầu cấp thiết như quần áo, dép, đồ chơi, bánh kẹo... Chúng tôi muốn các em được khỏe mạnh hơn, ấm áp hơn trong tiết trời giá lạnh ở vùng núi cao ấy. Cả trường Xéo Dì Hồ tính cđiểm chính và điểm lẻ có 217 em ở lứa tuổi Mẫu giáo cần có 44 chiếc phản và 44 chiếc chăn. Số tiền cần cho dán này chưa kể công vận chuyển tạm tính khoảng 20.000.000đ. Hai địa điểm nữa là xã Kim Nọi và xã Dế Xu Phình cũng sẽ cần những khoản tiền nhất định. Kế hoạch này chúng tôi sẽ thực hiện trong tháng Ba tới. May mắn thay,  chúng tôi đã được các anh ch bên Hungary ủng hộ số tiền đóng phản và mua chăn cho hai trường Xéo Dì Hồ và Kim Nọi. Xã Dế Xu Phình cũng được nhóm bạn bè anh Hiệu Minh bên Mỹ hỗ trợ rồi.

Như vậy, từ những thông tin trên có thể thấy vẫn còn 10 trường chúng ta còn phải lo một số tiền khá lớn để mua chăn và đóng phản cho các bé, riêng xã La Pán Tẩn nơi xảy ra vụ sạt lở chết người năm ngoái đã được nhiều nơi hỗ trợ nên không cần nữa. Một mình nhóm Vì ta cần nhau sẽ phải mất thời gian khá lâu đthực hiện kế hoạch này. Do vậy chúng tôi tha thiết xin các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ trong và ngoài nước quan tâm đến các cháu nhỏ ở miền Tây Bắc còn muôn vàn khó khăn này hãy chung tay cùng nhóm Vì ta cần nhau sớm thực hiện tốt kế hoạch trên để chúng ta có thể ấm lòng hơn mỗi khi có những cơn gió lạnh tràn về qua miền Tây Bắc. Những vật dụng hàng ngày như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, tranh ảnh, đồ chơi đối với các trẻ em Mẫu giáo luôn là nhu cầu cần thiết. Chúng tôi luôn vui mừng nếu các bạn gửi đến cho nhóm VTCN để chúng tôi chuyển lên cho các bé vùng cao.

Mọi liên hệ cũng như mọi sgiúp đỡ ủng hxin gửi đến các địa chỉ sau:


1. Cô Anh Thơ, nhà số 2 ngách 23 ngõ 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.  Số ĐT: 0915228457
2. Chị Đặng Tuyết Anh, chủ tài khoản của nhóm VTCN với số TK: 128038189 Ngân hàng ACB phòng giao dịch Hoàng Cầu số 6-7-8, dãy B khu Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa Hà Nội. Số ĐT của Tuyết Anh: 0914558472.
3. Chị Kim Thanh, số nhà 29/5D Thạch Thị Thanh, P. Tân Định, Q. 1, TP HCM. Số ĐT: 0903753636
Xin trân trọng cảm ơn! 

Và đây là vài tấm hình ghi lại nhóm VTCN đã hỗ trợ phản cho các cháu ở Mồ Dề.


 

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979

Đúng vào ngày này 34 năm trước (17.2.1979), Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng đã phải rút quân sau hơn một tháng gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Tuy vậy cuộc chiến tranh xâm lược này cũng mở màn cho cuộc xung đột vũ trang tại biên giới giữa VN và Trung Quốc (TQ) kéo dài suốt 10 năm sau đó. Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, với độ lùi về thời gian, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh này là hoàn toàn cần thiết.

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Kể từ sau khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như đều không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Theo ông tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng quên như vậy?

Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu ý như sau, vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này?  Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng nói như vậy là ngụy biện.

Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.

Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là  không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử so sánh chuyện đó với việc TQ tung ra hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch sử từ hàng chục năm qua.

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979

Với độ lùi về thời gian, theo ông chúng ta có thể rút ra những điều gì từ cuộc chiến tranh này? Những điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại ?

Theo tôi, khoảng thời gian 34 năm đã là khá đủ cho chúng ta nhận thức lại những vấn đề xung quanh cuộc chiến 1979. Thế nhưng đến giờ phút này tôi có cảm giác không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự nhận thức thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới.

Vấn đề thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, cuộc chiến 1979 là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề phải nhận thức rõ từ cấp cao nhất. Sự nhận thức ấy cũng phải được thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ hồ.

Không chỉ nhận thức mà Nhà nước có trách nhiệm đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa. Thực tế cho thấy phần lớn học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Chắc chắn chúng ta sẽ không tránh được sự phê phán của thế hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn hơn được. Theo quan điểm của tôi, Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ được, không thể  lờ đi vấn đề lịch sử này được.

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Bệnh viện huyện Trùng Khánh, Cao Bằng bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2.1979 - Ảnh: Tư liệu

Tôi đã nhiều lần trao đổi với các học giả nước ngoài và họ đã thắc mắc khá nhiều chuyện tại sao sự kiện chiến tranh chống quân TQ xâm lược năm 1979 lại không được nhắc đến trong các giáo trình lịch sử của VN. Tôi đã phải chống chế với lý do rằng người VN muốn quên đi quá khứ và hướng đến tương lai. Nhiều học giả Hàn Quốc, Nhật Bản đã phản bác tôi vì “Lịch sử là lịch sử. Quá khứ là quá khứ. Tương lai là tương lai”. Họ nói rằng: “Chúng tôi biết người VN rất nhân hậu, muốn hòa hiếu với các dân tộc khác. Nhưng điều này không thể thay thế cho trang sử chống ngoại xâm này được”.

Thứ hai,  trong thế giới hiện đại toàn cầu hóa, các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có quốc gia nào hoàn toàn độc lập tuyệt đối. Ngay cả Mỹ nhiều lúc cũng phải nhân nhượng các quốc gia khác. Chúng ta không có quan niệm về độc lập chủ quyền tuyệt đối trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng trong bối cảnh này, phải nhận thức rõ cái gì là trường tồn? Theo tôi có 3 thứ là chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia. Ở đây chúng ta phân biệt chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc nước lớn với lòng yêu nước chân chính, ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Hai cái đó khác nhau. Người VN có truyền thống yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm bất khuất, đó là điều cần được phát huy trong 92 triệu người VN trong và ngoài nước.

Chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia là những cái “dĩ bất biến”, những cái còn lại là “ứng vạn biến”. Những chuyện “16 chữ”, “bốn tốt” trong quan hệ với TQ là “ứng vạn biến”. Bài học từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 cho thấy nếu không nhận thức được điều này thì rất nguy hiểm.

Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiêu chí để phân biệt người yêu nước hiện nay là anh có bảo vệ lợi ích quốc gia hay không. Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn. Năm nay chúng ta chuẩn bị tổng kết Nghị quyết T.Ư 8 (7.2003) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tôi thấy có một quan điểm bây giờ vẫn đúng, đó là: "Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh". Đồng thời, cũng phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng và đối tác: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần phải đấu tranh.

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Tù binh Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng

Nhìn lại từ câu chuyện của 34 năm trước đến những căng thẳng hiện tại trong vấn đề biển Đông, theo ông có thể hy vọng gì ở tương lai trong quan hệ giữa VN và TQ ?

Tạo ra lòng tin, sự hữu nghị chân thật giữa hai nước là con đường tất yếu nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài và từ cả hai phía. Đây không phải là điều có thể hy vọng có được trong vài ba năm tới đây. Lịch sử mách bảo chúng ta muốn giữ được hòa bình, ổn định, giữ được độc lập tự chủ thì điều quan trọng nhất là giữ được lòng dân. Trên dưới một lòng, có được sự đoàn kết dân tộc thì chắc chắn không có kẻ xâm lược nào dám dại dột động đến chúng ta cả. Lịch sử VN đã cho thấy những lần mất nước đều bắt đầu từ việc chính quyền mất dân. Năm 179 trước CN An Dương Vương để mất nước là do mất dân. Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì chuyện mất nước là không thể tránh khỏi. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì đã mất dân. Đến mức độ nhà Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly thì chính những người trong nước đã chỉ điểm cho quân Minh. Năm 1788 Lê Chiêu Thống sang cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ cũng là ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ng.Phong (Bài đăng trên báo Thanh niên)
(thực hiện)

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Tết sớm đến với trẻ em Phúc Lộc, Ba Bể, Bắc Kạn



Sau gần một tháng kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho học sinh vùng cao xã Phúc Lộc (Ba Bể, Bắc Kạn), Báo điện tử Kiến Thức đã nhận được số tiền hơn 53 triệu đồng cùng nhiều tấn hàng hóa như mì tôm, gạo, bánh kẹo, quần áo ấm, chăn màn, sách báo cũ mới từ các nhà hảo tâm ở khắp nơi trong cả nước. Thậm chí các nhà hảo tâm ở nước ngoài cũng tham gia động viên, quyên góp cho chuyến đi này.

Với số tiền hơn 53 triệu đồng, chúng tôi đã thống nhất với các nhà hảo tâm sẽ dành toàn bộ để mua quần áo ấm, ủng mới, tất mới, bánh kẹo, đường, thực phẩm dành tặng cho 479 em học sinh mầm non và tiểu học Phúc Lộc.

Theo đúng kế hoạch đã định, 23h ngày 31/1 toàn bộ thành viên đoàn từ thiện Báo điện tử Kiến Thức với gần 4 tấn hàng hóa, quà tặng hướng lên Bắc Kạn.

Đúng 4h30 sáng ngày 1/2, đoàn công tác vào đến địa phận xã Phúc Lộc. Lúc này tất cả thành viên đoàn từ thiện ai cũng thấm mệt, đói và buồn ngủ. Cả đoàn quyết định dừng chân bên quán nhỏ để nghỉ ngơi, chờ tới giờ các em học sinh tới trường.


 7h ngày 1/2 hàng hóa bắt đầu được chuyển xuống xe để chuẩn bị trao tặng.

Trước đó, chúng tôi làm việc với ngành giáo dục địa phương thì biết ngày 1/2 là buổi học cuối trước khi các em học sinh về nghỉ Tết.

Ông Hoàng Văn Hưởng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phúc Lộc cho biết: “Khi có công văn từ Báo điện tử Kiến Thức về việc phối hợp trao tặng quà cho học sinh, Sở GD & ĐT tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo nhà trường triển khai ngay các công việc cần thiết để tổ chức tiếp nhận thật chu đáo. Hầu như các em học sinh ở tất cả các điểm trường xa đều đã tập trung về điểm trường trung tâm để nhận quà”.

 Các em nhỏ tập trung tại điểm trường chính Phúc Lộc để nhận quà.

Sau khi trao quà ở điểm trường trung tâm, đại diện đoàn từ thiện đã cùng các thầy cô giáo và lãnh đạo địa phương chất đồ lên xe máy tiến vào điểm trường Nhật Vẹn để thăm và trao quà cho 6 em học sinh tiểu học và 14 em mầm non.

Con đường dài ngoằn nghoèo, dốc khúc khuỷu, hẹp chưa đầy 40cm khiến chúng tôi mất khá nhiều thời gian để vào điểm trường Nhật Vẹn. Thế nhưng, chúng tôi thực sự xúc động khi tới nơi, gần 12h trưa mà các em nhỏ ở đây vẫn háo hức mong chờ đoàn công tác.

 Cô Ngô Anh Thơ đại diện trao quà cho học sinh điểm trường lẻ Nhật Vẹn.

Thấy được những nụ cười ánh mắt của các em nhỏ, những người đi làm công tác từ thiện như chúng tôi càng thấy quý giá sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Vậy là cả người đi trao yêu thương lẫn người được nhận cũng mang trong mình những niềm vui khôn tả.

Các em học sinh đã được nhận những món quà cho ngày Tết.

Chia tay xã Phúc Lộc, chia tay thầy cô giáo và học sinh nơi đây, đoàn công tác từ thiện ra về mang theo ấp ủ và dự định cho những chuyến đi mới.

Chúc các em học sinh Phúc Lộc học tập tốt, các em sẽ là những người làm cho quê hương mình đổi mới trong tương lai. Ngày mai, khi các em mang đôi ủng mới, khoác chiếc áo ấm trên mình, không còn rét run vì giá lạnh... thì ở một nơi khác, những tấm lòng thiện nguyện cũng ấm áp vô cùng.

Để thực hiện thành công chương trình từ thiện Bắc Kạn lần này, chúng tôi xin ghi nhận sự hỗ trợ của các nhóm hội tình nguyện như: Các bạn trẻ trong nhóm Facbook Sống Hướng Thiện, Hội đồng hương Hà Tĩnh, Hội đồng hương Bắc Giang, Hội đồng hương Thanh Hóa, Các anh chị em từ Hải Phòng, Nhóm thiện nguyện Vì ta cần nhau, các anh chị em đang công tác ở các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội,… đã cùng chung tay kêu gọi, quyên góp ủng hộ và đóng góp cho chương trình.

Trong thời gian gần một tháng kêu gọi hỗ trợ, được sự quan tâm của các tấm lòng vàng, quỹ cho chuyến công tác nhận được 53.570.000 đồng và hàng tấn hàng hóa khác.

Rất mong Qúy độc giả hảo tâm quan tâm theo dõi thông tin và đồng hành cùng các hoạt động thiện nguyện tiếp theo của Báo điện tử Kiến Thức.

 Các phần quà đã trao tặng:
- Trao 479 suất quà cho các em học sinh tiểu học và mầm non xã Phúc Lộc. Mỗi suất quà gồm có: 01 áo ấm mới, 01 đôi ủng mới, 01 đôi tất, 01 hộp bánh, 01 gói kẹo,  01 kg đường trắng, 05 gói mì tôm,… và thêm quần áo cũ còn tốt để sử dụng.

- Trao 165 áo ấm cho học sinh THCS Phúc Lộc.

- Trao 100kg gạo cho 10 hộ gia đình khó khăn của xã Phúc Lộc.

- Trao 16 chăn ấm mới của KS Pullman HaNoi cho 16 hộ nghèo của xã Phúc Lộc.

- Tặng hơn 2 tấn quần áo, chăn màn, khăn, mũ len, đồ dùng còn tốt cho nhân dân xã Phúc Lộc.
HỒ GƯƠM MỜ SƯƠNG
 

Cách đây đúng một năm đi lễ hội hoa Hà Nội cùng với gia đình một người bạn. Xem lại mấy cái ảnh chụp Hồ Gươm vẫn thấy thích.

Ra đi từ sáng sớm sợ bị chen lấn xô đẩy như năm kia. May không nhiều người lắm. Tha hồ ngắm cảnh sinh tình. Ấn tượng nhất là cảnh Tháp Rùa thơ mộng ẩn hiện dưới làn sương sớm. Chớp được mấy cảnh được TA khen tay nghề lên cao. Tự hào một tí để khoe nè:






































XIN CHĂN/ĐỆM LÓT CHO CÁC BÉ MẦM NON MỒ DỀ
Sau khi đưa bài viết "Kế hoạch đóng phản cho các bé trường Mầm non Mồ Dề" lên blogs, một số thành viên trong nhóm "Vì ta cần nhau" chợt băn khoăn: Trời lạnh không có mền lót lưng, làm sao các bé ngủ được.
Cả nhà mình ơi, ai có mền đã qua sử dụng, không cần dùng nữa thì gửi cho nhóm nhé.

Mọi đóng góp xin gửi về:

Đặng Tuyết Anh, chủ tài khoản của nhóm Vì ta cần nhau với số tài khoản: 128038189 Ngân hàng ACB phòng giao dịch Hoàng Cầu số 6-7-8, dãy B khu Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa Hà Nội. Số ĐT của Tuyết Anh: 0914558472.

Những ủng hộ bằng hiện vật xin liên hệ:

- Ngô Anh Thơ: Nhà số 2, ngách 23, ngõ 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội, điện thoại 0915228457, hoặc

- Đặng Tuyết Anh: 11/141, phố Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, điện thoại như trên

hoặc qua địa chỉ e-mail tuyetanhd@yahoo.com.vn/anhtho.ngo2012@gmail.com

KẾ HOẠCH ĐÓNG PHẢN CHO CÁC BÉ TRƯỜNG MẦM NON MỒ DỀ



Sau chuyến đi trao tặng 31 bộ bàn ghế cho điểm lẻ Chống Màng Mủ, trường mầm non Mồ Dề, xã Mồ Dề, huyện Mù Căng Chải vào các ngày 29-30/11/2012, chứng kiến cảnh các em bé từ 2 đến 5 tuổi ở đây phải nằm ngủ trưa trên nền đất lạnh, nhóm Vì ta cần nhau quyết định hỗ trợ phản nằm ngủ trưa cho các bé. Vậy là đến đầu tháng 1, 82 bé trong độ tuổi mầm non ở đây đã nhận được 17 chiếc phản ngủ trưa. 


Tuy nhiên, toàn trường mầm non Mồ Dề có tới hơn 300 em học sinh, học tại điểm trường chính và 7 điểm lẻ như được thể hiện trong bảng phía dưới. Và hiện tại, chỉ điểm trường chính và điểm lẻ Chống Màng Mủ có phản nằm cho các bé.

Bảng thống kê số lượng học sinh
năm hc 2012-2013








TT
Tên lớp
Số lượng học sinh
Tên bản
Số lượng phản
Nhu cầu
Ghi chú
Đã có
Chưa có
1
Nhà trẻ ( 2 tuổi)
27
Nả hang
4



2
Mẫu giáo 3-4 tuổi
31
Nả hang
5



3
Mẫu giáo 3-5 tuổi
29
Nả hang
5



4
Mẫu giáo 4-5 tuổi
30
Mồ dề

x
6

5
Mẫu giáo 3- 4-5 tuổi
19
Mí hang

x
4

6
Mẫu giáo 3- 4-5 tuổi
30
Sáng nhù

x
6

7
Mẫu giáo 3- 4-5 tuổi
21
Háng sung

x
4

8
Mẫu giáo 3- 4-5 tuổi
17
Cung 11

x
3

9
Mẫu giáo 3- 4-5 tuổi
30
Háng phù loa

x
6

10
Nhà trẻ ( 2 tuổi)
25
Chống màng mủ

x

Đã hỗ trợ 17 chiếc
11
Mẫu giáo 3-4 tuổi
30
Chống màng mủ

x

12
Mẫu giáo 5 tuổi
31
Chống màng mủ

x


Tổng cộng
320

14

29



Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta đều có thể hình dung nằm trên nền đất, chỉ với một chiếc chiếu lót lưng thì lạnh như thế nào. Cũng có lớp các cô giáo góp tiền mua cho các bé những tấm thảm xốp, giúp các bé đỡ lạnh phần nào. Tuy nhiên, phản ngủ là điều vô cùng cấp thiết cho mùa đông. Với những chiếc phản nằm, các bé sẽ đỡ lạnh, và chắc chắn sẽ bớt ốm đau, sổ mũi trong tiết trời khắc nghiệt. Các bạn ơi, hãy cùng chung tay với chúng tôi để đóng nốt số phản còn lại cho các bé. 




Sinh hoạt cả ngày của hơn 20 bé và 2 cô gói gọn trong vòng tấm chiếu và những tấm xốp lót nền như thế này đây (Ảnh chụp trong chuyến đi ngày 29-30/11/2012).

 

Các cô giáo tại điểm lẻ Chống Màng Mủ sắp xếp phản do nhóm Vi ta cần nhau hỗ trợ, chuẩn bị cho các bé ngủ trưa 
 


Từ bảng thống kê số liệu học sinh ở trên, có thể thấy rõ tổng kinh phí chúng tôi cần cho phần việc này như sau:

29 chiếc phản x 350.000 = 10.150.000


Phản được đóng theo kích cỡ 1.2m*2m. Mỗi chiếc phản dành cho 5 bé nằm. Phản sẽ được đặt đóng tại chỗ và một thành viên của nhóm sẽ thay mặt nhóm nhận và bàn giao cho nhà trường. Chúng tôi muốn đặt đóng sớm nhất có thể để các bé sớm được nằm ngủ trưa ấm áp. Đồng thời, nhóm hết sức mong muốn các bạn ủng hộ chăn bông cũ để có thể dùng trải thêm lên phản để các bé có giấc ngủ trưa ấm áp hơn và nếu có thể, hỗ trợ thêm cho trường TH&THCS nội trú Mồ Dề.


Ảnh khu nội trú của học sinh trường TH&THCS nội trú Mồ Dề, xã Mồ Dề, huyện Mù Căng Chải. (Những tấm chăn đỏ là do nhóm Different Life hỗ trợ vào dịp giữa tháng 11. Mấy thùng các tông là "đồ đạc" của các em học sinh)




Mọi đóng góp xin gửi về:

Đặng Tuyết Anh, chủ tài khoản của nhóm Vì ta cần nhau với số tài khoản: 128038189 Ngân hàng ACB phòng giao dịch Hoàng Cầu số 6-7-8, dãy B khu Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa Hà Nội. Số ĐT của Tuyết Anh: 0914558472.


Những ủng hộ bằng hiện vật xin liên hệ:


- Ngô Anh Thơ: Nhà số 2, ngách 23, ngõ 336 Nguyễn Trãi Thanh Xuân Trung Thanh Xuân Hà Nội, điện thoại 0915228457, hoặc

- Đặng Tuyết Anh: 11/141, phố Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, điện thoại như trên

hoặc qua địa chỉ e-mail tuyetanhd@yahoo.com.vn/anhtho3649@yahoo.com.vn

Thông tin ủng hộ sẽ được cập nhật thường xuyên trên blog của các thành viên trong nhóm và trên facebook của nhóm Vì ta cần nhau. Chân thành cảm ơn tất cả các bạn và mong được ủng hộ!