Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

LỜI KHAI MẠC ĐÊM GIAO LƯU CA NHẠC GÂY QUỸ "VÌ TA CẦN NHAU" 24/7


25 tháng 7 2013 lúc 5:55
(Bài viết của Thanh Chung)
Đây là bài phát biểu khai mạc của mình với tư cách "nhóm trưởng". Do quỹ thời gian không cho phép, mình không chuyển tải được hết những điều muốn nói. Vậy mình đưa lại lên đây để chia sẻ với các thành viên của nhóm cũng như những anh chị em bạn bè luôn đồng hành cùng "Vì ta cần nhau"

Kính thưa các bác, các anh chị em, cùng các bạn

Đối với một nhóm thiện nguyện tự phát theo kiểu “Vì ta cần nhau” thì việc vận động tài chính và việc sử dụng số tiền đó một cách hiệu quả, để không phụ công những người đã ủng hộ mình là hai việc khó khăn như nhau.

Thành viên của nhóm hầu hết là những anh chị em còn đang ở độ tuổi đi làm hoặc đi học. Mọi việc của nhóm đều phải tranh thủ giải quyết sau mười giờ tối (khi đã hoàn thành trách nhiệm đối với cơ quan và gia đình) và những ngày cuối tuần. Đoạn video clip mà các anh chị và các bạn vừa xem chưa thể hiện được công đoạn lập kế hoạch, theo dõi, giám sát và quản lý chi tiêu. Để đi đến quyết định chọn một điểm trường đưa vào kế hoạch giúp đỡ, những thành viên chủ chốt của nhóm, cụ thể là bạn Đặng Tuyết Anh, phải gọi hàng chục cuộc điện thoại. Những điểm trường ở xa, sóng không phủ tới hoặc sóng không ổn định, tỷ lệ kết nối là 5/5. Sau khi có được số liệu thống kê, việc tiếp theo là dự toán kinh phí, tìm nguồn tài chính và tổ chức thực hiện. Tất cả những gì các ACE và các bạn vừa thấy trên màn hình không chỉ là thành quả riêng của “Vì ta cần nhau”. Đối với những dự án lớn như xây lớp học, xây bể nước, xây bếp ăn…  nhóm đã kêu gọi những cá nhân, tổ chức, hoặc các nhóm khác cùng chung tay. Cụ thể như việc cung cấp chăn và phản cho toàn bộ các trường mầm non ở Mù Cang Chải với số tiền ước tính lên tới gần 300 triệu, nhóm đã nhận được sự ủng hộ của các độc giả của trang Hiệu Minh, của Nhóm “Sống hướng thiện” và của các anh chị em người Việt ở Budapest.

Trên video clip, các ACE và các bạn thường xuyên gặp hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé, (không còn trẻ nữa) trèo đèo, lội suối, đi xe ôm trên những cung đường nhão nhoét, lầy lội sau cơn mưa. Chị Anh Thơ của chúng tôi – con chim đầu đàn đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Một thành viên khác đã góp phần không nhỏ vào sự kiện ra đời của nhóm “Vì ta cần nhau”. Đó là Hạnh Nguyên – cô phóng viên báo, thuở còn “chân son mình rồi” thường xông pha đi đến những vùng khó khăn nhất, mang những đóng góp của từng cá nhân bạn bè đến tận tay những người thực sự cần. Chúng tôi: chị Kim Thanh, chị Anh Thơ, bạn Tuyết Anh cùng gặp nhau ở trang blogs của bạn Hạnh Nguyên trước và sau mỗi chuyến đi. Để rồi đến một ngày đẹp trời, khi con gái của Hạnh Nguyên vừa tròn một tháng tuổi, mấy chị em đã gặp nhau và “Vì ta cần nhau” chính thức ra đời. Là người trực tiếp tham gia nhiều chuyến đi trong quá khứ (lúc này nàng đang “con thơ gái cuốn”), hơn ai hết, Hạnh Nguyên hiểu được giá trị của từng đồng tiền nhận từ anh em, bạn bè. Hạnh Nguyên có một nguyên tắc bất di bất dịch: “Nếu không giao được tận tay thầy trò vùng cao thì kiên quyết không làm.

Chị Kim Thanh vốn là cán bộ của Sở giáo dục TP HCM. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng “network” của chị vẫn còn. Hàng tấn đồ chơi, quần áo, sách vở quyên góp được từ các trường mầm non trong thành phố đã lên tàu ra Bắc, đã theo xe lên tới Krông Pa. Nhóm nhận nuôi dưỡng các bé mồ côi trong mái ấm “Minh Tâm”. Hàng tháng, chị Thanh cùng các thành viên đi xin sữa, xin mỳ, xin gạo, xin dầu, xin sách vở mang đến cho các cháu.

Nhóm “Vì ta cần nhau” không có “đại gia” có thể một lúc mở hầu bao chi tặng một vài chục triệu. Các thành viên của nhóm như con kiến tha mồi, con chim nhặt hạt. Bạn bè ở Budapest thổi xôi, nấu chè, bán trong cộng đồng. Hàng trăm lọ nước hoa xinh xinh được gửi về. Nước hoa quy đổi thành chăn, phản, áo ấm và cả căn nhà mới xây cho học sinh nội trú Mùn Chung. Chúng tôi rao bán nước hoa, rao bán sách… rao bán tất tật những gì mọi người vì yêu quý, tin tưởng đã tặng cho “Vì ta cần nhau”….

Và cũng xin được nói thêm rằng, hiện nay hoạt động từ thiện đang diễn ra dưới rất nhiều hình thức. Cũng không ít các tổ chức, cá nhân khiến các nhà hảo tâm băn khoăn và cho rằng nhiều người đã hưởng lợi từ "mỹ từ" - "từ thiện". Trước mỗi chuyến hàng, các thành viên đều đau đầu để tìm được nguồn hàng rẻ hơn, dù chỉ một ngàn đồng. Có ngày, các chị em phải phóng xe máy 120 km cả đi lẫn về để mua được hàng từ chính nhà sản xuất. Không chỉ thu xếp thời gian và công việc ở chỗ làm cũng như ở gia đình cho mỗi chuyến đi, các thành viên còn tự bỏ tiền túi để trang trải các chi phí trên đường để đảm bảo dù chỉ một xu cũng không đụng vào tiền của các cháu. "Vì ta cần nhau" luôn chọn những nơi xa xôi hẻo lánh làm điểm đến, để các cháu bé kém may mắn nhất nhận được sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng.

Hiện nay, chúng tôi có 176 thành viên. Tuy nhiên, không phải tất cả 176 người cùng “dàn hàng” tiến lên. Có người ủng hộ bằng tài chính, có người tham gia bằng cả thời gian, công sức và tiền bạc. Nhưng cũng có người chỉ ghé qua một lần rồi không quay lại. Dù thế nào thì chúng tôi – những người “đồng sáng lập” cũng vẫn thấy xúc động và tự hào, vì những việc của mình đã lay động được đến trái tim của nhiều người. Nếu không phải vì cảm kích, không phải vì muốn “chung lưng đấu cật” với các thành viên khác thì chắc các bạn ấy sẽ chỉ làm “cổ động viên”.

Để có được hơn 400 triệu trong năm 2012 và một nửa số như vậy tính từ đầu năm tới nay cho các hoạt động của mình, “Vì ta cần nhau” xin trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của tất cả anh em bạn bè. Thay mặt cho cả nhóm, tôi xin được gửi lời cám ơn chân thành nhất tới các ca sĩ,  và nhạc công tý hon của Trung tâm Hoa Sữa Ước mơ – những người đã góp công sức không nhỏ để làm nên sự kiện tối nay. Cám ơn các thành viên trong Ban tổ chức đã chạy đôn đáo từ khi ý tưởng hình thành cho tới giây phút này. Đó là Tuyết Anh, Hạnh Nguyên, chị Anh Thơ, bạn Hoa Thương, em Nguyệt Nga, bạn Hòa Bình, tác giả của Video clip chúng ta vừa xem, và cả bạn Hoàng Anh, người đã giúp nhóm từ khâu thiết kế logo, thiết kế bìa sách Bay qua giấc mơ và cả tấm pano quảng cáo cho đêm giao lưu ca nhạc này.

Xin cảm ơn các thành viên trong mỗi gia đình - những người chồng, người cha, những người vợ, người mẹ, và cả những đứa con đã chia sẻ, cảm thông để chúng tôi được thực sự "ăn cơm nhà - vác tù và hàng tổng".

Và cuối cùng, xin cho phép tôi được “lồng” vào một chút “cá nhân”. Em xin cảm ơn cô giáo Nguyễn Thị Ổn – cô giáo đã dạy em cách đây hơn 30 năm. Chính tình cảm và lòng tin của cô dành cho em và cho nhóm đã động viên em rất nhiều.

Xin cảm ơn tất cả.

Để kết thúc bài phát biểu này, tôi xin được nhắc lại hai câu thơ của tác giả Lâm Cúc:

Chỉ cần bạn cúi xuống một lần gieo hạt thiện
Trên trái đất này, tám tỷ điều lành sẽ mọc lên.

Với các bạn ở UNICEF Việt Nam và "bà ngoại" Trinh Van Dinh
Với các bạn ở UNICEF Việt Nam và "bà ngoại" Trinh Van Dinh



Với em ThuyAnh
Với em ThuyAnh



Với cô giáo cũ Nguyễn Thị Ổn, bạn học Thanh Hằng và chị Anh Thơ
Với cô giáo cũ Nguyễn Thị Ổn, bạn học Thanh Hằng và chị Anh Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét