Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

HÁNG ĐỀ SỦA



                                              

Nhiệm vụ của bốn thành viên trong nhóm VTCN trong chuyến đi từ thiện đợt 18-19/5 rất rõ ràng.

Đúng 4.30 ngày 18/5 tất cả tập trung ở số 2 Láng Hạ, trụ sở của Argribank cùng với đoàn của họ đến Mù Cang Chải. Tới đây đoàn tách ra. Nhóm Một gồm ĐTA và HHB đi khảo sát một số điểm lẻ của một số xã trong huyện Mù Cang Chải. Nhóm Hai gồm CĐNQ và mình lên XDH làm long trọng viên chứng kiến hoạt động trao tiền, tặng quà của Argribank, nghiệm thu bếp ăn, trao tiền của nhóm về việc xây hai lớp Mầm non và cùng với Ban Giám hiệu nhà trường bàn lại về dự toán, bản vẽ chi tiết của hai lớp học Mầm non. Hoàn thành nhiệm vụ xong, cả hai nhóm sẽ nghỉ đêm tại nhà nghỉ Suối Mơ, thị trấn Mù Cang Chải. Sau đó sẽ tính tiếp các hoạt động trong ngày 19/5. Dự kiến nhóm Một buổi sáng sẽ tiếp tục khảo sát, nhóm Hai có thể về Hà nội ngay chuyến 6 giờ sáng hoặc chờ nhóm Một cùng về chuyến xe 9 giờ tối.

Mình và CĐNQ được giao nhiệm vụ lên núi. Công việc không vất vả gì nhưng kéo dài mãi gần 9 giờ tối mới xuống núi ăn tối và đi nghỉ. Sáng dậy, cả đoàn họp trao đổi công việc cụ thể. TA vẫn bảo theo kế hoạch nhóm Hai có thể về Hà Nội ngay nếu muốn hoặc nghỉ ngơi tại thị trấn MCC, còn nhóm Một vẫn tiếp tục đi khảo sát tiếp. Nhưng chẳng ai đồng ý với ý kiến ấy. Đã mất công đi mấy trăm cây số đến đây, phải làm được việc gì đó có hiệu quả thực tế chứ. Vậy là quyết định cùng đi khảo sát tại 4 điểm lẻ khác nhau.

Ăn sáng xong, cả đoàn được cậu Giáp ở Phòng giáo dục MCC cho một chiếc Com măng ca đưa đến trường Hồ Bốn. Từ đó mọi người tỏa ra 4 điểm lẻ tiếp tục làm nhiệm vụ khảo sát. Và Háng Đề sủa là nơi mình sẽ đến. Đi với mình là thầy hiệu phó XDH Trần Quốc Ân. Nhưng người chở mình vào HĐS bằng xe máy lại là ông trưởng bản Sùng A Khua. Con đường dân sinh này mới được dân bản mở cách đây hai năm, đường hẹp, nhiều dốc cua tay áo, phải quen đường và vững tay lái lắm mới có thể phi lên phi xuống mà không bị ngã bị lăn xuống vực. Lắm đoạn có cả những lạch suối nhỏ vô tư róc rách dọc trên đường đi. Hỏi trưởng bản khi chưa có đường này mọi người đi lại thế nào. “Dọc theo bờ suối mà đi thôi”- Ông cười cho biết và nói thêm: “Vì giao thông như vậy nên bà con dân bản ở đây nghèo lắm, thiếu thốn đủ thứ”. Nhìn con đường mình mới hiểu tại sao thầy Ân không dám chở mình, chắc sợ ngã thì nguy. Cách đường quốc lộ có 3 cây số thôi mà leo lên leo xuống bao nhiêu đèo dốc gập ghềnh khúc khuỷu, cuối cùng còn lội thêm hai con suối nữa, rồi cũng đến được HĐS.

                      Đường đi quá nguy hiểm, rất nhiều đoạn gấp khúc cua tay áo như thế này.

                                    Phải lội qua hai con suối mới đến được điểm trường HĐS.

                                       Điểm trường HĐS đây, trông hoang vu đến nao lòng.

Điểm trường lẻ HĐS thuộc trường Tiểu học XDH nằm giữa một thung lũng hẹp, xung quanh là núi rừng và suối. Nghe có vẻ lãng mạn quá nhỉ. Nhưng đứng từ bên suối nhìn vào không thể tưởng tượng đó là trường học - nơi ươm mầm cây trồng người - nếu không có tấm biển trương ra thì bạn có thể ngỡ đó là chuồng trại chăn nuôi gì đó nằm giữa núi rừng.
 



                                                             Trường không ra trường.
 

Lớp không ra lớp, bàn ghế không ra bàn ghế. 

Thầy phụ trách điểm lẻ HĐS là Giàng A Tính. Giờ đang là nghỉ hè nên chẳng gặp ai. Có 4 thầy cô đang dạy ở đây. HĐS có 4 phòng học, mà phòng ở đây trông đều tồi tàn tạm bợ, đặc biệt là bàn ghế thì đều trong tình trạng SOS. Làm gì có bàn ghế, chỉ là những tấm gỗ kê, cao là bàn, thấp là ghế được néo giữ với nhau bằng những cây tre. Nếu có hoạt động nhóm thì trò không thể nào di chuyển nổi. Ngay nghỉ giải lao đi ra cũng khó. Còn ở lớp MN các tấm gỗ được kê lại chẳng biết gọi là phản hay là gì. Không thể tìm từ nào trong từ điển Tiếng Việt để gọi cả. Đến giờ học, các bé chỉ biết khoanh chân khoanh tay ngồi trên đó nghe cô dạy . Hát thì còn được chứ múa may làm sao, làm gì có chỗ. Đồ chơi, dụng cụ học tập cũng không có bất cử thứ gì trừ tấm bảng dựa chân vách để cô diễn giải hoặc dạy chữ nghĩa.
 

Cái-mà-được-gọi-là-bếp của thầy trò HĐS đây.
 

Điểm HĐS cũng tổ chức ăn trưa cho 36 em ở xa. Một cái bếp tự tạo bằng cách xin mấy tấm pro-xi-măng bên trạm thủy điện ngoài đường quốc lộ mà các thầy phải vượt đèo lội suối mang về úp vào vách lớp che mưa che nắng đun tạm, còn tệ hơn cái bếp cũ ở XDH. Hàng ngày đi học, các trò mang theo ít gạo, ai có thức ăn gì mang nấy, phần lớn là tí rau tí muối, có bé chỉ có củ gừng mang theo, sang lắm là một con cá khô bé bằng ngón tay. Một hình thức góp gạo thổi cơm chung, nhưng vẫn phải làm để lôi kéo các em đi học, không bỏ học. Nhiều khi thầy cô còn phải chia sẻ phần thức ăn vốn đã ít ỏi của mình cho trò nữa. Nghe mà mũi cứ cay cay, mắt nhòa nhòa. Chẳng bù cho Hà Nội, ăn uống kén chọn chê bai…

Ra phía sau, trông thấy một khung nhà nhỏ đang được dựng lên, trong lòng lóe lên một niềm vui nho nhỏ. Hỏi ra được biết các thầy cô và dân bản đang cố gắng làm một lớp học cho bé MN và một cái chái làm chỗ ở cho hai thầy, còn hai cô vẫn chưa biết ở đâu. Ra ngoài sân trông thấy một đường dây dẫn nước. Thì ra các thầy cô tận dụng 85 mét đường ống nước của XDH còn thừa mang về đây dẫn nước từ nhà dân vào. May mà có nguồn nước sạch. Bình chứa nước vẫn chưa có. Cái gì cũng tạm bợ được hay chăng chớ, khó khăn chồng chất khó khăn. Mấy chiếc xoong nồi nhóm Nguyễn Quang Thảo mang lên tặng hồi tháng Ba thì to quá, không sử dụng được. Có 36 cháu, chỉ cần nồi 30 lít, còn các nồi này toàn 60, 90 lít, quá to so với số học sinh ở đây. Buồn cười chỉ cần đổi lấy nồi 30 thôi các thầy cũng không dám, sợ ai đó trong đoàn NQT lên kiểm tra không thấy không biết nói sao. Mình bảo các thầy cứ đổi đi, sẽ báo với nhóm NQT sau. Cái gì nên làm có lợi cho trò thì cứ làm. Ở lâu với người dân tộc, các thầy cô đều thật thà mộc mạc giản đơn giống họ. Thương thế!
 

Tội nghiệp các bé, nghỉ hè chẳng có hoạt động vui chơi gì.
 

Lúc sau có mấy bé kéo đến. Đang là nghỉ hè, chẳng có gì chơi, chẳng có điểm chơi, bắt châu chấu nuôi chim là thú vui của các em. Sách thì không, truyện chẳng có, phải tự tạo niềm vui chứ biết làm sao. Những bé không quần lê la nhem nhuốc bẩn thỉu như thế này là những hình ảnh đâu có hiếm gì ở vùng cao Tây Bắc này. Tội nghiệp cho tuổi thơ các em, như cái cây cái cỏ cứ thiên nhiên lớn lên trong trời đất vũ trụ bao la này. Các em thì làm được gì, cha mẹ các em thì làm được gì, từ ngàn đời nay vẫn thế…Buồn ơi, muốn chào mi quá, mà không thể!

Lúc trở về, thầy Ân không dám đi xe máy, thầy mới bị ngã xe, sợ không dám đi trên con đường dân sinh này nữa. Thế là mình và thầy cuốc bộ ra đường quốc lộ đi theo con đường mà các trò và thầy cô không có xe máy thường đi hàng ngày. Mình không ngờ con đường cheo leo vất vả đến thế. Lội qua các con suối cạn, không sao, còn thấy thú vị nữa đằng khác. Nhưng vào mùa này thì còn được, chứ mà mùa nước lên ngập đến cổ thì thầy trò chịu chết, có mỗi một nước là … nghỉ học. Cả đoàn mọi người đều đến các điểm lẻ cách Hồ Bốn xa đến 14 -15 km, hẳn là ưu ái dành cho mình điểm gần nhất nhưng có biết đâu 3 cây số này không như 7 cấy số leo lên XDH. Cuối cùng, vượt đèo lội thêm một con suối nữa cũng ra được đến đường quốc lộ mang theo một trải nghiệm du lịch mạo hiểm thú vị nhất mà mình đã từng đi.

 

                                                                       Leo đèo.
 
                                                                       Xuống dốc

                                          Xuống dốc nữa. 

                                      Lội thêm một con suối.
                                      Là tới đường quốc lộ rồi.


Viết lại về chuyến đi Háng Đề Sủa mà lòng mình vẫn trĩu buồn, vẫn bị ám ảnh về cảnh trường lớp, thầy cô, học trò, đường sá cùng với cơ sở vật chất bàn ghế nghèo nàn tạm bợ nơi đây. Bao giờ trường mới ra trường , lớp mới ra lớp để cho thầy trò HĐS đỡ khổ. Thầy trò HĐS thiếu thốn nhiều thứ lắm. Mọi người ơi, hãy bớt chút chi tiêu dành cho thầy trò HĐS một chút gì đó, nhiều chút của nhiều người sẽ thành một khoản nhất định để nhóm VTCN trong đợt từ thiện vào dịp tháng Tám tới sẽ có thể mua và mang lên cho các bé HĐS, chẳng hạn như 16 chiếc cặp cho 16 em Mẫu giáo 5 tuổi năm nay lên lớp 1, 345 quyển vở ô li cho 69 em học từ lớp 1 đến lớp 5 ( mỗi em 5 quyển), 47 vở tô màu tập vẽ + 47 hộp bút màu cho các bé Mẫu giáo, 116 bút chì, 69 bút viết, 69 thước kẻ, 69 ê ke, 5 chiếc bàn nhựa và 47 chiếc ghế nhựa cho lớp Mẫu giáo, 1 bình nhựa chứa nước cho thầy trò có nước sạch dùng hàng ngày.

Mọi ủng hộ xin được gửi đến các địa chỉ sau:




1. Cô Anh Thơ, nhà số 2 ngách 23 ngõ 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.  Số ĐT: 0915228457
2. Chị Đặng Tuyết Anh, chủ tài khoản của nhóm VTCN với số TK: 128038189 Ngân hàng ACB phòng giao dịch Hoàng Cầu số 6-7-8, dãy B khu Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa Hà Nội. Số ĐT của Tuyết Anh: 0914558472.

3. Chị Kim Thanh, số nhà 29/5D Thạch Thị Thanh, P Tân Định, Q 1, TP HCM. Số ĐT: 0903753636.


Xin trân trọng cảm ơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét