Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

HỒ NHÌ PÁ



                          

Trong đợt lên trao tiền xây bể và đặt đường ống dẫn nước sạch cho trường Tiểu học Xéo Dì Hồ dịp 23/5, mình tranh thủ đi khảo sát 2 điểm lẻ của trường: đó là Dể Củ Xeng và Hồ Nhì Pá.

Đến Dể Củ Xeng dẫu sao còn thấy vui vui vì đang trong giờ học, thầy cô và các trò lớp nào lớp ấy rất nghiêm chỉnh dù cho lớp học chỉ là tre nứa thưa thếch, lớp bên này có thể nhìn và nghe thấy thầy cô lớp bên kia giảng bài. Tặng cho mỗi bé tí bánh tí kẹo mà mình vẫn cảm thấy như được an ủi thấy ấm lòng tí chút.

Vắng vẻ chiều Đông Hồ Nhì Pá.
 

Còn đến Hồ Nhì Pá trong một buổi chiều đìu hiu vắng vẻ. Tan học rồi các trò về cả, chỉ có mấy em còn ở lại sân trường. Chiều miền núi ngày Đông, dù hôm ấy không rét vẫn dễ gây cảm giác buồn buồn. Đến khi nhìn lớp học nơi đây lại cứ thấy mủi lòng thương xót…

                                               Lớp học hoàn toàn là tranh tre nứa lá.

Lớp học của các bé Mầm non đây. 

Hồ Nhì Pá có một địa thế khá đẹp, nằm lọt trong một thung lũng hẹp tương đối bằng phẳng, xung quanh là núi bao bọc và thưa thớt dăm ba mái nhà thấp thoáng trên những triền núi xa xa. Chẳng thể làm gì được nhiều, chỉ chớp một số hình ảnh cổng trường, sân trường, lớp học và chụp với thầy trò nơi đây làm kỷ niệm.


                                                 Chụp ảnh kỷ niệm với thầy trò HNP

                                         Thầy Vũ Sinh Vượng, phụ trách điểm trường HNP

Thầy phụ trách điểm lẻ Hồ Nhì Pá là thầy Vũ Sinh Vượng đã 18 năm cắm bản vùng cao. Thầy cho biết sinh ra trong gia đình có 10 anh em đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng cả. Có nhiều anh em hiện giữ những cương vị kha khá có thể tạo điều kiện giúp thầy về xuôi kiếm việc có thu nhập cao một cách dễ dàng, nhưng thầy chẳng thể dời xa vùng núi cao ân tình này. Hồ Nhì Pá ở mãi trên núi cao, cách quốc lộ chục cây số đường đèo dốc đi lại rất khó khăn vất vả, dân trí ở đây còn rất thấp, nhiều hủ tục lạc hậu lắm. Ốm đau chỉ biết cúng ma thôi. Có lần thầy phải khéo léo lắm mới cho được một em bé uống thuốc , cứu em thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần. Từ bữa ấy dân bản tin yêu thầy lắm. Thầy còn chỉ bảo cách chăm sóc cây trồng vật nuôi có kết quả hữu hiệu dân phấn khởi lắm. Ai chứ thầy Vượng đến là mọi người mang rau củ tới biếu thầy, còn người khác muốn mua cũng khó. Thầy hầu như năm nào cũng có trò đi thi học sinh giỏi và nhiều thế hệ học trò của thầy đã trưởng thành nắm giữ cương vị này nọ chủ trốt ở xã ở huyện.

Hồ Nhì Pá có 4 phòng học dành cho 6 khối từ Mầm non cho đến lớp 5. Tổng số học sinh năm nay có 84 em, trong đó có 37 em là nữ. Có 4 thầy cô 2 nam 2 nữ dạy ở đây. Thầy Vượng dạy lớp ghép 1+3, một thầy dạy lớp ghép 4+5, một cô dạy lớp 2, còn một cô nữa dạy lớp Mẫu giáo 4+5 tuổi.  Số Mầm non 3 tuổi có 10 em, trong đó có 6 nữ.  Mầm non 4 tuổi có 13 em, trong đó có 4 nữ.  Mầm non 5 tuổi có 12 em, trong đó có 7 nữ. Số lớp 1 có 9 em, trong đó có 5 nữ. Lớp 2 có 8 em, trong đó có 4 nữ. Lớp 3 có 12 em, trong đó có 3 nữ. Lớp 4 có 11 em, trong đó có 3 nữ. Lớp 5 có 9 em, trong đó có 5 nữ.

Lớp học ở đây 100% là tre nứa. Hai lớp ghép trông còn khả dĩ, lớp MN trông không thể thương được. Nếu không có tấm bảng treo trên vách ta không thể biết được túp lều này dùng để làm gì, trống hơ trống hoác, xiêu xiêu vẹo vẹo, nhìn mà cứ thấy nghèn nghẹn. Đến thăm phòng hai cô giáo phía sau trường. Một cô đi vắng, nhìn căn phòng với mấy củ khoai trơ trọi ở góc mà không dám chụp hình sợ cô mặc cảm bởi nơi đây chỉ giữ đúng một chức năng duy nhất là có thể che mưa che nắng trú thân qua ngày. Ra phía ngoài chụp ảnh chung với cô giáo ra về mà cứ bị ám ảnh hoài. Cứ nghĩ tới một cô giáo trẻ  một thân một mình tại một nơi rừng rú cô quạnh vắng vẻ thế này mà thêm thầm cảm phục các thầy cô nơi đây.
 
Một mình cô giáo trẻ giữa thung lung hoang vắng.
 

Khảo sát Hồ Nhì Pá xong, khi nói chuyện với Việt Ly, mình đưa HNP là ứng cử viên số 1 trong danh sách những nơi mà chị Việt Ly và chị Kim (Việt kiều Mỹ) muốn xây trường. Gửi những tấm hình và những thông tin về Hồ Nhì Pá cho chị Việt Ly và Kim Bintliff, mọi người cứ xót xa sao nghèo thế, khổ thế. Chị Kim còn thương cảm đến mức cứ ao ước phải chi được trúng sổ số có thật nhiều tiền đưa về giúp trẻ em vùng cao. Xây lại cả trường thì ngoài khả năng của các chị. Các chị hiện tại vừa xây xong lớp cho hai điểm Đá Đỏ và Dằn A ở Kim Bon Sơn La và bắt đầu khởi công xây lớp ở hai điểm suối Kếnh và suối Pa cũng ở Kim Bon Sơn La. Hơn nữa các trường Tiểu học, Trung học vùng cao đều nằm trong chủ trương xây trường lớp của nhà nước. Vì thế các chị quyết định xây một lớp học Mầm non cho Hồ Nhì Pá.

Ngày 19 tháng Sáu tới, các chị ngỏ ý muốn tổ chức một chuyến từ thiện lên HNP, dự kiến dành khoảng 20 triệu mua quần áo, dép, đồ dùng học tập, bánh kẹo, mì tôm, sữa cho các bé HNP. Các chị muốn đến tận nơi trao quà, gặp gỡ giao lưu với các thầy trò HNP và bàn công việc xây lớp Mầm non ở nơi đây. Vậy là sẽ có nhiều việc phải làm trong thời gian tới đây. Liên lạc với BGH XDH, yêu cầu nhà trường viết thư ngỏ kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, yêu cầu làm dự toán kinh phí, thiết kế bản vẽ chi tiết lớp học, giúp các chị thiết kế lộ trình chuyến đi và yêu cầu thầy cô tổ chức đón đoàn, chở người và quà lên núi, huy động học trò đang nghỉ hè đến nhận quà và giao lưu với đoàn từ thiện.

Hy vọng mọi sự sẽ tiến triển tốt đẹp. Hy vọng một lớp học Mầm non sẽ sớm hiện ra ở vùng núi cao Hồ Nhì Pá đẹp như trong truyện cổ tích Adecxen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét