Gọi
là chuyến đi nhiều cung bậc bởi chuyến đi này không như mọi lần. Đây là đoàn từ
thiện của nhóm Việt kiều Mỹ mà mình thay mặt nhóm VTCN kết nối được với thầy trò Xéo Dì Hồ ở Lao
Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái. Hãy hình dung những con người từ nước Mỹ xa xôi đến
Việt Nam, tới vùng núi cao cheo leo heo hút ta có thể thấy chuyến đi có những
cung bậc gian lao vất vả đến nhường nào.
Đoàn từ thiện của nhóm Việt kiều Mỹ, người mặc áo vàng là chị Việt Ly, người mặc áo phông trắng bên phải là chị Liên Hoa, gia đình năm người nhà anh Dũng, chị Uyên ở giữa mình và Liên Hoa với Bờm phía trước. Thầy hiệu trưởng Nguyên áo trắng và thầy Vượng phụ trách điểm HNP ở bên trái.
Đoàn
gồm có chị Việt Ly, người được nhắc đến trong nhiều entry ở trang blog của
mình, chị Liên Hoa, người gần chục năm cần mẫn chế tác những chuỗi vòng nữ
trang bán lấy tiền làm từ thiện và gia đình anh Dũng, chị Uyên với ba con của
anh chị. Phải nói thêm chuyến đi từ thiện lần này phần lớn các chi phí là do
nhà anh chị Dũng-Uyên đảm nhiệm. Phía trong nước có mình và chị Thiều Chung ở Gia Lâm, một
người làm từ thiện nhiều năm và có rất nhiều kinh nghiệm cho mỗi chuyến đi. Đặc
biệt nhất có bé Minh Quân, con trai Việt Ly, 7 tuổi có nickname thật dễ thương
là Bờm, một chú bé dân gian thật thà tốt bụng, thực tế, không hám những thứ giầu có cao
sang không phải của mình. Bé Minh Quân tức Bờm là thành viên nhỏ tuổi nhất
trong đoàn cũng nếm trải mọi cung bậc của chuyến đi, không kêu ca phàn nàn
nhõng nhẽo tí gì. Mình cứ tưởng bé Bảo Anh 4 tuổi đi cùng chuyến Nậm Mười, Văn Chấn, yên Bái với
mình năm ngoái là nhỏ tuổi nhất làm từ thiện, nhưng giờ mình thấy cháu Bờm, con trai Việt
Ly mới là người làm từ thiện nhỏ tuổi nhất. Cháu đi theo mẹ Việt Ly từ lúc mới
có 17 tháng tuổi đến các cô nhi viện, cũng biết mang đồ chơi cho các bé mấy
tháng tuổi. Lớn lên chắc chắn Bờm của chúng ta sẽ là một cậu bé lương thiện biết
quan tâm chia sẻ với những người bất hạnh.
Bờm đang phát quà cho các bé ở Hồ Nhì Pá
Mọi
việc sắp xếp tưởng chừng đâu vào đấy ổn thỏa, cả từ con số thành viên đến đặt
phòng, đặt bữa ăn, nhưng đến phút chót vẫn có những thay đổi ngoài dự kiến. Mọi
cái hầu như lại liên quan đến phía mình, nên cũng cảm thấy không được thoải mái
lắm. Tỉ dụ như con số nhóm mình hai và phóng viên một, cho đến đêm trước hôm đi
cô phóng viên bảo ốm, cứ nghĩ một phóng viên khác đi thay, hôm sau đến BGD thật
sớm xem ai đi cùng thì con số là không. Cũng có thể hiểu được thế này. BGD chẳng
liên quan gì đến công việc ở Hồ Nhì Pá và họ không muốn mất thời gian để cổ xúy
cho nhóm Việt Ly nữa.
Hơi đáng trách là một thành viên trong nhóm nhất quyết xin đi từ đầu, đến phút chót vẫn bảo muốn đi, dù thế nào đi hay không cũng sẽ gọi điện thông báo lại, cuối cùng cho đến hôm sau vẫn bặt vô âm tín. Cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều lắm, nhưng mình không thấy thoải mái khi phải đợi chờ. Rồi một cậu ở PGD MCC đã nhận lời hỗ trợ đoàn quay camera cũng chỉ nhiệt tình trên lời hứa mà thôi. Vốn là người trọng lời hứa nên mình thấy ai hứa rồi để đấy tức là hứa suông hay coi nhẹ lời hứa thì mình thấy cũng không khoái lắm.
Hơi đáng trách là một thành viên trong nhóm nhất quyết xin đi từ đầu, đến phút chót vẫn bảo muốn đi, dù thế nào đi hay không cũng sẽ gọi điện thông báo lại, cuối cùng cho đến hôm sau vẫn bặt vô âm tín. Cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều lắm, nhưng mình không thấy thoải mái khi phải đợi chờ. Rồi một cậu ở PGD MCC đã nhận lời hỗ trợ đoàn quay camera cũng chỉ nhiệt tình trên lời hứa mà thôi. Vốn là người trọng lời hứa nên mình thấy ai hứa rồi để đấy tức là hứa suông hay coi nhẹ lời hứa thì mình thấy cũng không khoái lắm.
Chờ đợi
ở đầu phố Mai Dịch khá lâu, cuối cùng hơn 9 giờ sáng xe chở đoàn mới đến. Việt
Ly cũng hơi bất ngờ khi thấy có mỗi mình mình. Xe 2 tấn chở hàng xuất phát từ 3
giờ sáng rồi. Mọi người chủ trương đi sớm thư giãn, có thời gian ngắm phong cảnh
quê hương đất nước, nhất là những người Việt xa xứ muốn tận mắt ngắm nhìn núi rừng
Tây Bắc đẹp như thế nào.
Dọc
theo đường 32, con đường mà giờ đây trở nên quá đỗi quen thân với mình. Ra khỏi
Hà Nội, tới Sơn Tây, đến Trung Hà, vào Thanh Thủy, tới Thanh Sơn, Tân Sơn, qua
Thu Cúc ngắm nhìn những vùng đất trung du rừng cọ đồi chè xanh mướt, ai nấy đều
thấy rất dễ chịu. Tới Nghĩa Lộ, dừng tại một quán ven đường vào nhờ ăn trưa. Bà
chủ quán nhận ngay ra mình bảo hôm trước bác vào đây nghỉ chân uống nước ăn
cam, mua cam. Bà chủ thật nhân hậu nhiệt tình lấy quạt điện, pha nước uống cho
cả đoàn. Bữa ăn trưa của mỗi người trong đoàn là một gói xôi lạc muối vừng và
hai quả trứng luộc cùng với hoa quả là đủ năng lượng đi tiếp.
Ruộng bậc thang-danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Tây Bắc đây.
Qua
Nghĩa Lộ, tới Tú Lệ là chuẩn bị lên đèo Khau Phạ 32 cây số. Những thửa ruộng bậc
thang hút hồn mọi người. Lạ thật mùa này chỗ thì gặt lúa vàng, chỗ thì lúa xanh
ngút ngát, chỗ thì mới cấy lưa thưa, có chỗ mới đang làm đất chuẩn bị cấy. Rồi
những nương ngô bạt ngàn. Chỉ nhìn hai bên đường cũng đủ thấy người dân nơi đây
chăm chỉ cần cù làm ăn lắm. Nhưng sao họ vẫn cứ nghèo nhỉ. Có lẽ nơi đây dân
không bị đói như ở Mèo Vạc, Hà Giang, hay Kim Bon, Sơn La nhưng vì ở mãi trên
núi cao giao thông đi lại khó khăn nên họ còn có nhiều hạn chế về vật chất lẫn
tinh thần.
Đường
đi nhìn chung ổn thỏa, chỉ duy nhất đến khu vực gần đèo Khau Phạ có chỗ mấy lần
đi qua đều bị núi sạt lở gây tắc đường. May chỉ phải chờ có hai mươi phút thì
thông đường. Nhớ có lần phải chờ đến cả tiếng dưới trời nắng to nóng bức mà thấy
mệt. Trên đường đi kể cả lúc tắc đường hay bất cứ lúc nào thấy có các em bé, Việt
Ly lại yêu cầu đỗ xe xuống tặng quà cho các em. Ấn tượng nhất và ám ảnh thương
tâm nhất là thấy hai bé gái 3, 4 tuổi trần truồng không áo không quần. Cả đoàn
xuống phát bánh kẹo, bóng bay, gấu và xe ô tô đồ chơi cho các bé. Việt Ly cứ
hùi hụi tiếc là để tất cả quần áo mới trên xe tải, nếu không sẽ cho mỗi đứa mấy
bộ rồi. Rút kinh nghiệm lần sau mang theo một số quần áo dự phòng để khỏi bị áy
náy như thế này. Các cô bé cậu bé trên đường đi chắc sung sướng lắm, tự nhiên
có một cô tiên hiện ra như trong truyện cổ tích cho các bé gái những đôi hoa
tai xinh xắn bằng đá quý, những con gấu bông đẹp mê hồn, cho các bé trai những
chiếc ô tô, những quả bóng mà có thể lần dầu tiên các em có được. Thật xót thương nhìn
hai bé gái ôm hai con gấu mặc váy đẹp thắt nơ hồng mà bản thân các bé không một
mảnh che thân. Thời đại nay ai có thể tin được vẫn còn cảnh này.
Cối giã gạo duy nhất trên đèo Khau Phạ
Tới địa
phận Mù Cang Chải, cả đoàn Việt kiều đều sửng sốt trước các thửa ruộng bậc
thang – danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước và vô cùng thích thú ngắm nhìn
hai chiếc cối giã gạo bằng sức nước ở đèo Khau Phạ. Tất cả đua nhau chụp ảnh
các kiểu. Mọi người vừa đi vừa làm từ thiện vừa nghỉ ngơi ngắm phong cảnh nên
không ai thấy mệt mỏi. Mình cũng mừng.
Đến 6
giờ chiều mới tới nhà nghỉ Suối Mơ ở thị trấn Mù Cang Chải. Nhớ trước đây mấy lần
nghỉ tại Suối Mơ đều có điều hòa nhiệt độ, vậy mà 5 phòng dành cho đoàn lần này
đều không có. Mọi người thì không sao, nhưng mình áy náy nhất là gia đình anh
chị Dũng-Uyên. Khổ nỗi phòng anh chị ấy chiếc tủ đứng còn mất cả cánh gương,
trông nhếch nhác tệ quá. Mình gọi điện nhờ thầy hiệu trưởng tìm phòng ở các nhà
nghỉ khác nhưng ở đây các nhà nghỉ đều không có điều hòa. Mình xin lỗi anh chị
Dũng-Uyên, anh chị ấy đều bảo không sao, nhưng đến giờ mình vẫn cảm thấy áy
náy. Cũng may đêm miền núi mát mẻ dễ chịu chứ không oi bức như Hà Nội.
Một
điều làm mình không vui nữa là bữa ăn tối. Thầy hiệu trưởng đặt hai mâm cho
đoàn. Chắc vì quá yêu quý muốn thết đãi những người Việt xa quê nên đặt nhiều
món như thịt gà luộc, ếch nướng, cá kho tộ, rau muống xào thịt trâu, dứa xào
sách bò, canh xương bí đao, rau su su luộc. Hầu như cả đoàn đều ăn chay nên
mình phải yêu cầu nhà bếp nấu thêm món đậu phụ sốt cà chua. Chỉ có mỗi ba người
lái xe là ăn được mọi món nên thức ăn vẫn thừa nhiều thật lãng phí làm mình thấy
ngại quá.
Đêm
mình cùng phòng với Liên Hoa. Trời mưa to, lo quá không ngủ được. Mưa thế này
làm sao mai lên núi. 5 giờ sáng gọi điện cho hiệu trưởng, Nguyên bảo cũng chẳng
biết làm sao, nếu cứ mưa mãi thì không đi được, nhưng mấy hôm rồi đều mưa đêm,
khoảng 9 giờ thì tạnh. Hy vọng Trời thương đoàn. 5 giờ rưỡi, cả đoàn ăn sáng, mỗi
người được chuẩn bị một hộp mì ăn liền. Ăn xong, nhờ anh lái xe mua chục chiếc
áo mưa, rồi chuẩn bị lên đường. Đúng là Trời thương đoàn từ thiện thật. Cả xe tải
và xe chở đoàn khi tập kết ở chân núi Xéo Dì Hồ thì trời ngớt, mưa chỉ còn lác
đác. Chỉ có mấy thầy giáo đón đoàn, chưa thấy dân bản chở đồ đâu. Hỏi, Nguyên bảo
dân bản chắc thấy mưa nên chưa xuống. Lại phải thúc hiệu trưởng gọi điện cho
dân bản khẩn trương xuống chở hàng. Tới đây đoàn chia làm đôi. Mình, Việt Ly,
anh Dũng, Liên Hoa cùng bé Bờm lên XDH, còn lại đi Hồ Nhì Pá. Hàng hóa cũng
chia đôi: 84 xuất quà đưa lên HNP do chị Thiều Chung phụ trách quản lý, 116 xuất
được đưa lên Háng Đề Sủa do thầy hiệu phó Trần Quốc Ân đảm nhiệm quản lý. Anh
Dũng thật chu đáo còn đưa cho mấy dân bản chở hàng từ thiện $100 nữa.
Đường
đi lên núi thật khủng khiếp, sau mấy cơn mưa bão vừa rồi đất trôi sạch chỉ còn
trơ lại đá, lắm chỗ lởm khởm chỉ có thể đi bộ, người đi xe máy chỉ có cách dùng
chân đẩy xe đi. Có chỗ lại dốc cheo leo hẹp và trơn dễ sợ, đi bộ cũng còn lo
ngã. Bù lại những cánh đồng bậc thang đẹp như tranh vẽ, những nương ngô xanh
tươi làm mọi người cứ suýt xoa đẹp quá, đẹp hơn cả Hawai.
Hai lớp MN XDH cơ bản đã làm xong.
Thay mặt nhóm VTCN trao cho thầy Hiệu trưởng 50 triệu tiền x ây lớp MN XDH.
Đến
XDH, nhìn hai lớp học Mầm non đã dựng xong mình thấy vui vui. Chỉ còn lát nền
đá hoa, bó hè, lắp các thiết bị điện là xong. Năm học tới các bé Mầm non nơi
đây chắc chắn có một nơi rộng rãi sạch sẽ để học tập để vui chơi. Mình thấy vui
nhưng khi trao đổi với Việt Ly mình lại thấy buồn vì Việt Ly chưa hài lòng khi
đưa ra một số nhận xét về lớp học. Dưới con mắt của Việt Ly, lớp chưa thỏa đáng
với số tiền đầu tư, trông vẫn tạm bợ, chưa có toilet, bể nước. Mình chẳng biết
gì về xây dựng cả, chỉ biết thu thập ý kiến đóng góp của mọi người, yêu cầu nhà
trường làm thế này thế kia. Các thầy thì cũng thế, có biết gì về xây dựng đâu,
cứ theo kinh nghiệm mà làm. Với các thầy, có được hai lớp học khang trang như
thế này, trước đây chỉ có thể là niềm mơ ước, còn giờ đây có được như thế là
vui lắm, vô cùng biết ơn các nhà tài trợ và nhóm VTCN. Mình cũng không hài lòng
với các thầy ở chỗ đưa ra bản quyết toán hai lần không khớp nhau, đưa bản vẽ tạm
thì có, đến lúc bản vẽ chính thức mãi cũng chẳng thấy đâu, trong khi đó thì đã
bắt tay vào xây dựng rồi. Cách làm còn manh múm chưa khoa học chặt chẽ. Hy vọng
lớp học ở Hồ Nhì Pá dưới sự chỉ huy nhiều kinh nghiệm của Việt Ly mọi việc sẽ tốt
đẹp hơn, hoàn hảo hơn.
Tặng
quà cho một số thầy và trò ở XDH xong, nhóm mình và Việt Ly lại được các thầy
chở đến HNP. Tới nơi đã thấy chị Thiều Chung cho xếp từng đống mì tôm, quần áo,
dép, đồ chơi và bánh kẹo sẵn sàng chia cho các trò xếp hàng sẵn ở sân trường. Tấm
pa-nô lễ động thổ lớp Mầm non “Hoa Ly” trông rất hoành tráng kèm theo tên nhà
tài trợ và đơn vị kết nối cũng rất nổi bật. Tiếc là tấm poster của nhóm “Vì ta
cần nhau” mình đưa cho hiệu trưởng Nguyên để treo lúc phát quà thì bị bỏ quên ở
chân núi XDH.
Hàng đã được tập kết ở sân trường HNP.
HNP hôm nay tưng bừng nhộn nhịp khác thường.
HNP hôm nay đông vui nhộn nhịp khác hẳn chiều mùa đông đìu hiu lần
trước khi đi khảo sát ra về cứ thấy ngậm ngùi. Bà con dân bản kéo đến khá đông.
Các trò hân hoan nhận quà tặng. Mỗi trò được nhận một phần quà trị giá 500k bao
gồm một thùng mì tôm, quần áo mới, dép mới, bánh kẹo và đồ chơi hoặc gấu bông,
hoặc ô tô hay một đồ chơi bất kỳ. Trò nào cũng có bóng bay. Ai cũng phấn khởi
vui mừng. Công việc làm lễ động thổ cũng được tiến hành trang trọng nghiêm túc.
Chắc chắn trong tương lai một lớp học hoàn hảo đồng bộ có sân chơi, có toilet,
có bể nước sẽ được xây dựng theo thiết kế mà Việt Ly đã từng làm ở Lào cai, ở
Sơn La. Có một điều mình không ngờ đến là có nhà có đến ba con đi học nên được
lĩnh ba thùng mì tôm trong khi dân bản có người nghèo không có con đi học thì lại
không có gì. Chị Thiều Chung có ý trách mình không tìm hiểu kỹ về điều này.
Mình không tính đến chỉ biết lấy con số cụ thể số học sinh các lớp và các độ tuổi
thôi. Chỉ biết rút kinh nghiệm chứ biết làm sao, nhất là mình và Việt Ly còn bận
với công việc làm lễ động thổ.
Lễ động thổ làm lớp học ở Hồ Nhì Pá.
Cái
tin đoàn Việt kiều đi làm từ thiện chẳng mấy chốc loang ra khắp Mù Cang Chải
làm an ninh huyện giật mình tức tốc hỏi xã, xã tức tốc nắm lấy tóc hiệu trưởng
giật lia lịa làm Nguyên bị một phen kinh hồn. Nguyên hốt hoảng túm tóc mình,
mình trấn an bảo không việc gì phải sợ, cô Việt Ly làm từ thiện khắp nước bao
nhiêu năm nay rồi. Cứ tiếp tục đi Háng Đề Sủa phát quà tiếp cho các bé nơi đây.
Rút kinh nghiệm đoàn gặp ngay trưởng bản Giàng A Khua hỏi số hộ HĐS và giao cho
trưởng bản 106 thùng mì tôm phát cho mỗi hộ một thùng, mấy thùng còn lại tặng
cho các thầy cô HĐS. 116 em ở HĐS từng lớp từng lớp lên nhận quà. Mọi việc vẫn
diễn ra tốt đẹp trong niềm vui hân hoan của học trò và dân bản.
Háng Đề Sủa nhộn nhịp khoe sắc màu giữa núi rừng Tây Bắc.
An
ninh huyện, xã vẫn không yên tâm cho công an bản kiểm tra một số thùng mì tôm
xem có truyền đơn tờ rơi gì không. Chẳng có gì, họ lại yêu cầu cả đoàn đến gặp
xã. Việt Ly kiên quyết không gặp bởi cả đoàn từ bé đến lớn, mỗi người có một cốc
mì tôm từ lúc năm rưỡi tới hơn một giờ chiều không ăn uống gì không có sức đâu
đi gặp xã. Đấy là chưa kể phải ngồi sau xe máy đi vài chục cây số đường núi
gian nan vất vả và lội qua hai con suối để vào HĐS. Chị Thiều Chung còn bị ngã
xuống suối ướt hết cả quần áo.Việc đầu tiên sau khi phát quà là xuống núi quay
về nhà nghỉ ăn trưa, nhất là phải đảm bảo sức khỏe cho các cháu nếu không lả hết.
Xã muốn gặp cứ đến thị trấn Mù Cang Chải gặp đoàn tại nhà nghỉ Suối Mơ. Thầy hiệu
trưởng vẫn không hết lo. Mình và Việt Ly bảo không phải lo phải sợ gì cả. Từ
sáng đến giờ đoàn đều làm việc thiện có làm việc gì mờ ám không tốt không.
Vượt suối để vào được HĐS, một trải nghiệm thú vị không thể quên của ba con anh chị Dũng-Uyên.
Cả
đoàn ăn một bữa cơm có nói ra không ai tin. Hơn chục người ăn một bữa cơm chay
hết có 300k mà thấy ngon lành. Ăn xong, mình gọi điện cho hiệu trưởng bảo xã có
gặp thì đến ngay để đoàn còn về Hà Nội. Nguyên bảo đã nói chuyện với Đảng ủy và
an ninh xã nếu muốn tìm hiểu về đoàn vào trang Blog của cô Anh Thơ và vào
Facebook tìm hiểu về nhóm thiện nguyện “Vì ta cần nhau”, muốn tìm hiểu về cô Việt
Ly hãy vào Báo Giáo dục Việt Nam xem các bài viết của họ về cô Việt Ly và những
việc làm của cô ấy sẽ rõ họ là ai. Tấm poster bây giờ mới phát huy tác dụng. Hiệu
trưởng đưa ra bảo đây nhóm VTCN và các hoạt động của họ. Mọi người ở huyện ở xã
chắc có đôi lần gặp mình nên bảo cô này thì không sao. Chẳng biết an ninh có đọc
Blog, Facebook và Báo điện tử Giáo dục VN không nhưng thấy Nguyên bảo họ không
đến gặp nữa, đoàn cứ về HN đi.
Hai
giờ rưỡi chiều mới bắt đầu đi về Hà Nội. Xe chạy một mạch, cả xe hầu như mệt
quá đều ngủ hết, chỉ có riêng mình không ngủ được. Liên tục nhắn tin, trả lời
điện thoại của gia đình, bạn bè và các thầy XDH. Nhìn lại cả chuyến đi, mình thấy
dù có nhiều cung bậc như thế, chuyến đi vẫn thành công tốt đẹp, mang đến nhiều
niềm vui cho nhiều con người đang còn gặp nhiều khó khăn, có số phận kém may mắn.
Cũng rút ra một vài bài học cho các chuyến đi từ thiện tiếp theo, nhất là đối với
người nước ngoài về Việt Nam làm từ thiện. Có công văn xin phép đàng hoàng để
tránh những phiền toái không muốn như vừa rồi xảy ra.
Hơn
mười giờ xe mới đến Hà Nội. Con trai gọi điện bảo đi đón. Trời mưa to gió lớn.
Không bắt tội con trai, mình đi xe ôm từ Cầu Giấy về nhà. Gọi điện, nhắn tin
cho bạn bè và con dâu đã về nhà an toàn để mọi người khỏi lo lắng. Chẳng muốn
ăn uống gì, tắm rửa xong đi ngủ để lấy sức dành cho việc mua căn hộ chung cư và
lo đám cưới cho con trai. Hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét