PNO
- Chị Lê Thị Thanh Chung sinh năm 1961 tại Hải Phòng. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm
ngoại ngữ Hà Nội chuyên ngành tiếng Pháp.
Sau
khi dạy học 8 năm tại Trung tâm ngoại ngữ Hải Phòng, chị chuyển sang làm việc ở
các tổ chức quốc tế như Chương trình cộng đồng châu Âu, Quỹ nhi đồng Anh, công
ty xây dựng hạ tầng của Nhật, Công ty kiểm toán KPMG. Từ năm 1998 đến năm 2003
chị là nhân viên của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội. Năm 2003, chị thi
sang Văn phòng TW tại New York và trở thành Trợ lí kiểm toán Quỹ nhi đồng Liên
Hiệp Quốc.
Chị
Thanh Chung và các bạn trong nhóm Vì ta cần nhau
Tuy
sống ở nước ngoài nhưng chị vẫn nặng lòng với những số phận kém may mắn ở mọi
miền đất nước và những trẻ em nghèo vùng cao. Chị tìm thấy những tấm lòng đồng
cảm với mình trong chuyến đi tới rốn lũ quảng Bình năm 2010. Sau đó là các
chuyến đi tới Sơn La, Nậm Mười, Suối Giàng…Những chuyến đi nối tiếp chuyến đi.
Những tấm lòng nhân ái như làn sóng giao thoa, vòng tay vươn xa, lan rộng. Nhóm
thiện nguyện Vì ta cần nhau ra đời. Ngoài chị còn có các NTT khác như
chị Nguyễn Kim Thanh, cán bộ Sở Giáo dục TP HCM về hưu, chị Ngô Anh Thơ, Giảng
viên ĐH KHNV Hà Nội, chị Đặng Tuyết Anh Giảng viên ĐH làm việc ở các chương
trình Dự án giáo dục nước ngoài…và sau này nhóm đã phát triển đến hơn ba mươi
thành viên cả trong và ngoài nước.
Tại
NewYork, chị Thanh Chung vận động thêm nhiều tấm lòng bà con Việt kiều, gom góp
áo ấm đồ dùng rồi vào ngày nghỉ đóng gói, phân loại và gửi thành những chuyến
hàng về nước cho nhóm phục vụ những chuyến đi thiện nguyện.
Vì
ta cần nhau cũng là tên blogs của tác giả Thanh
Chung. Nghề nghiệp của chị gắn liền với những con số khô khan, những nguyên tắc
quản lý tài chính bất di bất dịch. Nhưng công việc cũng cho chị cơ hội được đi
nhiều nơi, gặp gỡ những con người và những nền văn hóa khác nhau, chứng kiến
những số phận mà ranh giới giữa rủi, may, tốt xấu, hạnh phúc, khổ đau mỏng tang
như sương khói. Và chị đã viết như một nhu cầu tự thân, để giải tỏa và chia sẻ.
Chị nói viết để gửi cho mình trong những năm tháng tiếp theo. Viết để các con
được thấy mẹ chúng trong một đời sống khác. Viết để tin rằng đâu đó dù còn
những vô cảm, tội ác nhưng lòng tốt của con người vẫn lấp lánh như pha lê, viết
để “cúi xuống một lần gieo hạt thiện”.
Những
truyện ngắn viết từ kí ức, từ những con người của những chuyến đi đã được tập
hợp lại. Đầu năm 2010 chị cùng nhóm bạn Kim Oanh, Lâm Cúc, Hoài Vân in chung
trong tập Tin nhắn một chiều (NXB Hội Nhà văn). Và đến tháng 6 năm nay,
chị mạnh dạn tập hợp 36 truyện ngắn của mình vào tập Bay qua giấc mơ
(NXB Hội Nhà văn). Tập sách đã được tác giả và các nhà tài trợ bỏ vốn để in.
Chị và nhóm bạn đang cố gắng quảng bá rộng rãi, mong bán được hết để dành tiền
cho chuyến thiện nguyện lên vùng núi phía bắc trước khi mùa đông tới.
Nhận
xét về tập truyện Bay qua giấc mơ, Nhà thơ Nguyễn trọng Tạo chân thành:
“Dù là ký ức hay bịa đặt, Thanh Chung đều làm cho người ta tin là nó đã như
thế, đang như thế, sẽ như thế. Một đời sống Việt Nam quá vãng hay hiện tại được
nhìn từ Mỹ mà không phải Mỹ”. Nhà văn Kao Sơn thì viết: “Truyện của Thanh Chung
không chỉ viết về nỗi đau. Nhiều truyện của chị đẹp và trong suốt như cổ tích.
Bằng sự từng trải và tấm lòng nhân hậu, Thanh Chung cảm thông với mỗi số phận
con người, ý thức được giá trị đích thực của cuộc sống. Vượt lên khỏi nỗi đau, nâng
niu gìn giữ niềm hạnh phúc dù rất nhỏ nhoi, là thái độ trân trọng con người,
trân trọng cái đẹp trong cuộc sống”.
Trở
lại công việc của nhóm thiện nguyện. Với những kết quả đã làm được trong vài
năm qua trong đó đáng kể nhất là việc thực hiện chương trình áo ấm tới trường
cho trẻ em những trường vùng núi xa xôi thiếu quần áo ấm trong mùa đông giá
lạnh. Ngoài ra nhóm còn ủng hộ tiền cho trường ở Xéo Dìn Hồ gần 200 triệu đồng
để xây nhà bếp, hệ thống nước sạch và 2 lớp mầm non tại điểm lẻ cùng rất nhiều áo
ấm và đồ dùng gửi đến tận tay các cháu bé và dân bản. Đầu tháng 5 năm nay, nhóm
đã có một chuyến khảo sát lên vùng Tây Bắc núi non trùng điệp. Nơi có những địa
phương nghe tên là đã thấy xa xôi hiểm trở: Háng Á, Háng Bla Ha, Mý Háng, Séo
Dìn Hồ, Mù Căng Chải…
Đường
đi có chỗ chỉ vừa đủ đặt một bàn chân người trên lối mòn nhỏ xíu nằm vắt ngang
sườn núi cheo leo. Nơi họ đến là những mái trường mầm non, tiểu học nghèo nàn
mái tranh tre nứa tạm bợ. Những bữa ăn nghèo đạm bạc của cháu ở lớp nội trú.
Những em bé trần truồng vì thiếu quần áo. Cái ăn cái mặc thiếu thốn như vậy nên
việc lo sách vở đồ dùng học tập cho con là cả gánh nặng của phụ huynh vùng cao.
Những lớp mầm non không thể có đồ chơi để dỗ bé. Các lớp tiểu học chỉ có 1/3
các em có sách giáo khoa, nhiều cuốn đã dùng đi dùng lại đến rách nát, còn sách
tham khảo thì là thứ xa xỉ, chưa nói những nhu cầu khác như bút chì màu hay tập
tô màu…
Nhóm
đã lên kế hoạch đầu năm học mới. Dự định góp thêm cho gần 1500 em ở các trường
mần non và tiểu học ở xã Khau Mang và Xéo Dì Hồ thêm mỗi bé mấy cuốn tập, cái
áo ấm, cặp sách, sách giáo khoa… Chị Đặng Tuyết Anh viết: “Bạn ơi, hãy chung
tay với chúng tôi, nhiều giọt nước sẽ làm đầy ly nước. hãy giúp những em bé
thiệt thòi ở những trường này một món đồ chơi hay vài ba cuốn vở, đôi chiếc bút
hay gói bánh… Hãy dừng lại, suy ngẫm một phút để thấy mình cần chìa bàn tay với
những người thiệt thòi khác”.
Mong
cho tập sách Bay qua giấc mơ giúp thêm cho họ thực hiện được kế hoạch có
70 triệu đồng cho chuyến hàng lên vùng cao sắp tới. Mong ngày càng có nhiều tấm
lòng giao thoa cùng nhóm thiện nguyện NTT này để đem giấc mơ về cho những em bé
nghèo ở vùng sâu vùng xa của đất nước.
Hội
An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét