Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

BỮA ĂN SÁNG ĐẾN TRƯỜNG



 

Bài viết chân thật, cảm động của bạn mình cứ làm mình bị lây tâm trạng... buồn buồn, muốn làm một cái gì đó để giúp các em học sinh trường THCS Phúc Sơn huyện Anh Sơn Nghệ An. Mình đã góp một chút muối bỏ biển để cùng với bạn thêm vào bữa ăn sáng của các em trong mùa đông rét buốt tới đây. Mình cóp lại bài viết của bạn mà mình cho rất có tư chất một phóng sự đáng lưu tâm để những ai qua đây cũng có thể đọc, thấu hiểu, cảm thông và góp một chút muối cho tình cảm thêm đậm đà đối với các em học sinh nghèo còn có quá nhiều khó khăn này. Vô cùng trân trọng những ai quan tâm tới  "BỮA  SÁNG ĐẾN TRƯỜNG". Xin cảm ơn rất nhiều!


Những ngày đầu mới đi làm dự án, mỗi chuyến công tác của mình thường chỉ dừng lại ở thành phố. Trong số các thầy cô giáo trường cao đẳng sư phạm, rất nhiều thầy cô có cuộc sống rất ổn, thậm chí có nơi mình đến, 30% số thầy cô đi làm bằng xe ô tô. Có nơi thì thầy cô giáo có phong trào mua nhà ở Hà Nội, có đến 20% số thầy cô (tất nhiên trong số đó những người giữ chức vụ quản lý chiếm phần trăm khá lớn) có nhà ở Hà Nội. Đấy là thực trạng ở một đôi tỉnh miền Bắc mà mình hay đến. Vào miền Trung, sự khác biệt cảm thấy rất rõ. Nói chung, cuộc sống các thầy cô giáo khiêm tốn hơn đáng kể.
Lâu nay, mình không muốn dừng lại ở các thành phố lớn. Mỗi chuyến công tác, mình thường kết hợp cả vùng trung tâm và các vùng xa xôi, miền núi, đi về trường học để cảm nhận bầu không khí ở những khu vực đó. Hồi tháng 8 mình đã đi huyện Phú Lương, Đại Từ (Thái Nguyên) và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Vì không có ấn tượng gì đặc biệt ngoài chuyện cơ sở vật chất các trường rất khá, trường THCS Bãi Cháy thì phải dùng từ “hoành tráng” để mô tả mới đúng, nên mình chẳng viết gì. Nhưng chuyến này thì mình muốn viết quá.
Chuyến đi này của mình khá dài, đến 4 điểm. 2 ngày đầu mình đi huyện Nam Đàn và Anh Sơn ở Nghệ An, rồi sau đó đến huyện Đức Phổ và Ba Tơ ở Quảng Ngãi. Định chẳng viết gì nhưng tối qua chị bạn mình, người cũng đang làm quản lý một dự án giáo dục hòa nhập của tổ chức Save Children gọi điện than van “chị thấy tâm trạng down quá”, làm mình không thể không viết. Chị buồn không phải vì chuyện riêng tư hay công việc, mà vì cảm thấy bất lực trước biết bao cảnh đời nghèo khổ mà các dự án như của chị ấy hay của mình hầu như chẳng giúp được gì. Trước hết, các dự án thường không hỗ trợ tiền trực tiếp, mà nếu có quy đổi thành tiền thì cũng chỉ như những giọt muối bỏ bể.
Mình cũng cùng một tâm trạng như vậy. Những điều vui vẻ đáng nhớ hẳn nhiên là có. Suốt chuyến công tác, mình đã được ngắm bao nơi cảnh đẹp như tranh. Đó là những đoạn sông Lam uốn mình như dải lụa, những cánh đồng lúa đang mẩy hạt, vẫn còn xanh hay chớm vàng, đoạn đường gần thị trấn Ba Tơ với rừng thông hai bên, chẳng khác gì đường đi Đà Lạt, con sông Re hiền hòa chảy qua thị trấn Ba Tơ, mấy cây vạn tuế cao khoảng hơn 2m, to cả người ôm, đang trổ một bông hoa to kỳ lạ trong khuôn viên Bảo tàng cách mạng Ba Tơ. Rồi mình được nếm món cá niên đặc sản sông Re vừa đắng mà lại ngọt, có tác dụng chữa bệnh…
Dù vậy, mình vẫn thấy buồn và xót xa. Những nơi trường học mình đến ở vùng xa, cơ sở vật chất không đến nỗi nào, tất cả mọi nơi đều đã được xây 2 tầng, nhưng bàn ghế cũ kỹ, thiết bị hạn chế, học sinh dù mắt sáng nhưng thấp bé, còi cọc, da dẻ đen đủi. Bọn mình không đến thăm trường Hùng Sơn ở huyện Anh Sơn được do những ngày trước đó trời mưa, nước sông dâng cao, trường bị cô lập. Còn trường học THCS Phúc Sơn, trung tâm huyện Anh Sơn, nơi mình đến có 15 học sinh nhà nghèo, ở xa, nhà trường tìm mọi cách để hỗ trợ các em bữa sáng trong suốt ba tháng mùa đông. Tạm tính mỗi em mỗi ngày được bữa sáng khoảng 10.000 thì nhà trường cần khoản tiền tương đương 12-15 triệu cho năm nay. Với một trường nhỏ, số tiền đó chẳng dễ dàng gì, các thầy cô phải tìm mọi cách, thậm chí san sẻ cả phần lương ít ỏi của mình cho các em. Không làm được gì nhiều, mình cũng xin góp một phần thật nhỏ vào quỹ đó. Niềm vui nho nhỏ mình có được là các tiết học mình dự ở vùng đồng bằng đều rất vui vẻ, học sinh mắt sáng như sao, giơ tay ào ào, vui vẻ hơn khối giờ mình dạy khi xưa, khi có những học sinh cứ lỳ ra, mình cố cách gì cũng chẳng khiến được các em mở miệng. Rồi một cô giáo vận dụng Sơ đồ tư duy một cách rất sáng tạo trong giờ dạy về nhiễm sắc thể.
Ngày cuối cùng ở thị trấn Ba Tơ, mình đi thăm trường THCS Ba Vì, một địa danh cách Ba Tơ 20km. Lớp học 30 em thì tới 20 em là học sinh người dân tộc. Nhiều khi nhìn rất khó phân biệt vì các em hầu như không khác người Kinh bao nhiêu. Mình dự tiết Toán lớp 8. Thầy giáo đã có thâm niên hơn 10 năm giảng dạy, dạy rất vững vàng, nhưng thực sự chỉ ít em theo được. Mình cứ bị ám ảnh và buồn, những bài toán vận dụng hằng đẳng thức để phân tích đa thức thành nhân tử chẳng hề đơn giản, mà hơn tất cả là để làm gì, tại sao các em phải học những thứ mà gần như chắc chắn là các em sẽ không áp dụng trong tương lai. Niềm an ủi là khi mình hỏi han một vài em lớp 6, các em đều nói rằng các em thích đi học hơn ở nhà vì ở nhà buồn lắm.
Nói thêm, đầu tư giáo dục ở đây khá lớn. Học sinh đi học không những không phải đóng góp bất cứ một khoản nào mà còn được phát vở đầu năm và được mượn sách. Ở đây, mục tiêu trước hết là giữ vững sỹ số, vì khi lớn một chút (cuối cấp II, sang cấp III), rất nhiều em sẽ bỏ học để đi làm các công việc chân tay kiếm được tiền ngay như đi vào Đắc Lắc hái cà phê, đi trồng cây keo…
Khoảng cách giàu nghèo đã và đang tăng lên thật đáng sợ. Những người dân tộc dường như bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển. Nghệ An là một tỉnh nghèo nhưng tinh thần hiếu học rất cao. Thầy Vinh, trưởng phòng GD-ĐT Anh Sơn nơi mình đến là tác giả của phong trào “Tiếng trống học bài”. Cứ 7h tối và 5h sáng sẽ có hồi trống giục giã các em ngồi vào bàn học. Do phần lớn thanh niên đã bỏ làng đi làm ăn xa nên việc đánh trống được giao cho một cụ nào đó. Cùng với chiếc trống, cụ đó còn được phát cả áo bông để đảm bảo sức khỏe trong mùa đông. Phong trào đó đã lan rộng khắp huyện Anh Sơn, góp phần rất nhiều vào việc nâng cao sự quan tâm của gia đình đến việc học của con cái. Còn ở đây, tại Ba Tơ, người dân tộc chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc học. Một phần, cũng có lẽ vì nội dung học chưa được thiết kế phù hợp với tính chất vùng miền. Việc học phổ thông được bao cấp, nhưng nếu các em đi học xa thì gia đình cũng sẽ chẳng có điều kiện chu cấp. Thất học, nghèo khổ. Nghèo khổ, thất học. Cái vòng luẩn quẩn muôn đời.
Buổi sáng, khi đi ngang qua chiếc chợ duy nhất họp ngay trên đường quốc lộ giữa thị trấn, mình nhìn thấy một số người phụ nữ dân tộc ngồi bán vài cái măng, mấy bó dây lang, dáng lầm lũi, nhọc nhằn, đôi mắt thật buồn. Mặc dù mỗi lần đi về huyện mình luôn mặc kiểu quần đen áo sơ mi trắng hết sức giản dị (hai chiếc áo đã cũ, mình mua/may cách đây tới 3-4 năm, kiểu thời trang mà nếu một số cô bạn mình nhìn thấy sẽ cười sằng sặc bảo mình giống cô Thắm), mình vẫn tự thấy bản thân thật lạc lõng và vô duyên. Muốn ghi lại khung hình một người phụ nữ dân tộc mà không dám, sợ rằng mình sẽ là nhẫn tâm nếu cứ chĩa ống kính vào họ.
Buồn. Giá có thể nhắm mắt trước tất cả những việc đó. Đã làm thân đà điểu rồi mà nhiều khi còn cứ ti hí làm gì cho khổ. Nếu có một điều ước, mình ước cái biệt thự [nghe nói] là của bác Nông này được đem ra bán đấu giá, số tiền thu được dành đầu tư cho giáo dục Ba Tơ hay đầu tư nâng cao đời sống người dân ở đây, chắc sẽ có nhiều đôi mắt bớt buồn vời vợi giữa khung cảnh đẹp như tranh nơi này.
Viết thêm: Mình còn đang cân nhắc có nên viết một bài với tiêu đề "Bữa sáng đến trường" để kêu gọi mọi người ủng hộ tiền ăn sáng trong mùa đông cho các em học sinh trường THCS Phúc Sơn, huyện Anh Sơn thì chỉ vài tiếng sau khi đưa bài lên đã có một cô bạn gửi tin nhắn nói sẽ ủng hộ các em 2 triệu. Ôi mình sung sướng quá. Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Mình chưa quyết định có viết bài chính thức hay không, vì trên thực tế thì nơi đó không đến mức nghèo như rất nhiều nơi cần sự giúp đỡ hơn,  nhưng mọi sự đóng góp đều được trân trọng và sẽ được mình chuyển thẳng về trường. Và như mình luôn tâm niệm, không nhất thiết phải nhiều, mỗi người một giọt nước sẽ làm thành cốc nước.
  Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/tuyetanhd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét