Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

DƯ ÂM HÀ GIANG PHẦN CHÓT



 

Hôm sau, khi mọi người còn đang ngủ, mình đã dậy sớm đi thăm chợ phiên của trung tâm Mèo Vạc. Chợ vùng cao êm ả thanh bình chứ không ồn ào ầm ĩ như các chợ dưới xuôi. Dân ở đây 99 % là người Mông. Tự dưng mình thành dân tộc thiểu số nơi đây vì thấy nhiều người nhìn theo với ánh mắt tò mò lạ lùng. Nhiều người đi cả đêm để đến chợ. Phụ nữ ăn mặc sặc sỡ duyên dáng, nam giới hầu như chỉ mặc màu đen.

Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20111228053802174.jpg

Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20111228053602249.jpg

Không giống như chợ Đồng Đăng, Kỳ lừa hay Đông Kinh ở Lạng sơn đặc đồ Tàu, chợ Hà Giang thuần Mông hơn. Hàng hóa giản dị, chủ yếu các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày như hoa quả, bánh trái, rau cỏ, thuốc nam, đồ dùng sản xuất ... Điều đặc biệt phụ nữ bán rượu thành hàng dãy, trong khi đó nam giới lại bán gạo và các dụng cụ sản xuất.  Ở một góc chợ có mấy cô từ Tuyên Quang lên mua tóc. Một túm tóc dài chừng 15 cm giá 50 - 60 nghìn. Có cô tóc dài chừng 30cm bán tới 300 nghìn. Thế này thì một em sinh viên Nhân văn mình hay gặp ở phòng chờ tóc dài chấm gót nếu bán chắc được triệu đồng như chơi. Mua mấy bó rau cải mèo, hai cái mũ nồi làm quà. Chơi chợ một lát quay về ăn sáng, mọi người mới rủ nhau đi chợ.

9 giờ sáng cả đoàn lên xe, vượt qua đèo Mã Pí Lèng đi theo con đường Hạnh Phúc là có thể  tham quan cao nguyên đá Đồng văn. Hoành tráng và kỳ vĩ thật, ngắm không biết chán.  Khắp mọi nơi chỉ có đá và đá. Ngước lên trên là đá, nhìn xuống dưới cũng là đá. Bốn phương tám hướng chỉ có đá là đá. Càng lên cao đá càng lởm chởm. Dòng sông Nho Quế phía dưới trông như một vệt chỉ dài ngoằn nghèo. Con đường bên trên có tên Hạnh phúc bởi nó được xây dựng để nối thị xã Hà Giang với hai huyện Đồng văn và Mèo Vạc để vùng miền núi cao nguyên xa xôi hiểm trở có thể tiến kịp miền xuôi. Phần lớn mọi người chỉ đứng trên con đường Hạnh phúc ngắm cao nguyên đá với những vườn hoa đá, bồn hoa đá muôn hình vạn dạng, mình cùng mấy em trong đoàn dám leo hẳn xuống mỏm núi chênh vênh chìa ra phía dưới vực sâu làm mấy cô cậu có vẻ là các nhà leo núi chuyên nghiệp (thấy vác theo cả xe đạp địa hình) cũng trầm trồ thán phục. Đại đức Thích Quảng Hoàng còn ngồi chắp tay thiền ở mỏm núi trông còn mạo hiểm hơn nhiều. Nhìn những dãy núi có hình kim tự tháp đỉnh nhọn sườn dốc nối tiếp nhau tạo nên vẻ hùng vĩ uy nghi của cao nguyên đá Đồng văn mà thấy tự hào về đất nước mình quá. Càng tự hào hơn vì cao nguyên đá Đồng văn mới đây được công nhận là một công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Đông Nam Á.

Rời cao nguyên đá, cả đoàn kéo nhau đi thăm chợ Đồng văn. Cũng giống như chợ Trung tâm Mèo vạc, thanh bình giản dị. Người đi chợ mua bán những vật dụng cần thiết cho cuộc sống. Có người chỉ đến chơi chợ ăn món thắng cố và uống rượu. Có anh chàng nằm ngay lối đi vào chợ ngủ say sưa quên trời đất chắc hẳn sau những chầu rượu túy lúy. Ăn trưa tại một nhà hàng ở phố cổ Đồng văn xong, mọi người lên xe nhằm hướng Lũng Cú tiến.

Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20111228053326764.jpg

Lũng Cú nằm trên cao nguyên đá Đồng văn. Mảnh đất địa đầu của Tổ quốc có một dấu ấn uy nghiêm thật đặc biệt - cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu với cột cờ bằng bê tông cao chừng 30m có phù điêu hoa văn trống đồng Đông sơn xung quanh chân bệ và lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 m vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em ngày đêm căng rộng kiêu hãnh phần phật tung bay trong bầu trời quanh năm gió lộng sao mà thấy thiêng liêng, sao mà thấy tự hào.  Lâu rồi một cảm xúc rất lạ giống như năm 1978 lần đầu tiên xa Tổ quốc đặt chân lên nước người ở ga Bằng tường lại xuất hiện, xốn xang khó tả. Chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng kiêu hùng là đây. Hãy giữ lấy mảnh đất thân yêu mà cha ông ta đã hàng ngàn đời tranh đấu gìn giữ và bảo vệ.

Leo 900 bậc để được ngồi bên cột mốc lịch sử, lòng dấy lên một chút kiêu kiêu, kém gì Trần Nhương hay Mai Thanh Hải, hai bloggers có lần khoe hình trên mạng mà khi ấy mình từng thầm ước có một ngày được đặt chân nơi đây. Mọi người thi nhau chụp ảnh kỷ niệm. Cảm động nhất khi chụp ảnh tập thể, PTBT Ngọc Hải kêu lên "Kẻ thù xâm phạm mảnh đất này, chúng ta sẽ làm gì?", tất cả đồng lòng cùng vung tay với nắm đấm chắc nịch quả quyết hô "Đánh". Đương nhiên bức ảnh có tính chất biểu trưng, tuy vậy phần nào cũng thể hiện ý chí ngoan cường son sắt và lòng yêu nước của các bạn trẻ ngày nay. Đứng trên "Nóc nhà của Tổ quốc", nhìn ra xung quanh, một cảnh tượng hùng vĩ hiện ra: Núi non trùng trùng điệp điệp, những cánh đồng đá, vườn hoa đá đa dạng đa hình, những thửa ruộng bậc thang tín hiệu của no ấm và những mái nhà ẩn hiện bên rừng xanh đại ngàn mà càng thấy thêm yêu mến quê hương đất nước Việt nam yêu quý.

Trên đường về thị xã Hà Giang, đoàn ghé qua xã Sa Phìn, nơi vua Mèo Vương Chí Sình và dòng họ Vương từng có một thời vàng son. Dinh thự họ Vương này được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trên một khu đất cao rộng khoảng 1.200 m vuông giữa thung lũng đẹp có cây cối um tùm bao quanh.

Từ dưới nhìn lên, một quần thể được bao bọc bằng đá khối chắc chắn trông như một pháo đài có lỗ châu mai nhìn ra quan sát tứ phía rất đắc địa. Hai hàng sa mộc cổ cao vút trông đẹp và uy nghi. Chắc những người dân bé mọn có việc quan phủ hẳn đến đây cũng phải co mình khiếp sợ tim đập chân run. Phía ngoài cổng là những ngôi mộ cổ nằm im lìm. Bước qua cổng là một dinh thự có kiến trúc độc đáo kiểu Tàu bằng gỗ quý có những hoa văn tinh xảo trên cánh cửa, ngói ống có chạm khắc hình chữ Thọ thể hiện sự trường tồn dài lâu và các cột đá chạm khắc hình rồng phượng biểu tượng của quyền lực và hưng thịnh. Hơi ngạc nhiên thấy dinh thự với các phòng nhỏ bé và nền nhà bằng đất. Đá thì sẵn nhưng chưa có công nghệ xẻ đá như bây giờ nên chịu. Ngẫm lại ngay thời nay dân bản Mã Pì Lèng vẫn còn ở trong những nơi không thể gọi là nhà thì đây đúng là nơi xa hoa dành cho các bậc vua chúa rồi. Thời gian và sự phong hóa làm cho nhiều chỗ sập xệ cần trùng tu. Hãy giữ gìn bảo tồn dinh thự họ Vương - một hạt ngọc lưu ly giữa công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Đồng văn.

Kết thúc chuyến đi Hà Giang, bao tình cảm đan xen chồng chéo. Giờ còn lại là cảm giác thỏa mãn, trong đó pha trộn một chút hơi hơi tự hào - đó là vượt qua chính bản thân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét