Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

ẤN TƯỢNG NẬM MƯỜI



 
Đoàn từ thiện đi Nậm Mười, Văn Chấn, Yên Bái lần này có 35 người bao gồm nhiều thành phần. Ngoài mấy phóng viên đi tác nghiệp có rất nhiều các nhà hảo tâm như giáo viên, doanh nhân, kiến trúc sư, ca sĩ, hoa hậu, những người làm du lịch, nhà tu hành và ba em nhỏ, bé nhất mới có 4 tuổi.

Bé Bảo Anh con cô trò cũ Mai Lan Hương của mình rất lanh lợi và thông minh.


Vượt qua quãng đường 260km từ Hà Nội lên Nậm Mười Văn Chấn Yên Bái không hề đơn giản tí nào. Đầu tiên đoàn xuất phát hơi chậm so với dự kiến, sau đó bác tài không biết rõ đường lắm nên mất nửa tiếng lòng vòng ở quãng Phú Thọ nghĩa là phí mất hơn ba chục cây số đường đi, lại còn phải ăn trưa nữa thành ra phải đến 4.15 mới đến được lối rẽ vào Nậm Mười. Thương quá các thầy cô và các trò Nậm Mười chờ đoàn từ 2 giờ. Họ đã chờ đoàn hai tuần nay rồi.

 Nhìn các thầy cô đứng bên xe máy chờ đoàn mà ai nấy đều rưng rưng cảm động. 15 cây số từ đường cái vào Nậm Mười mới là con đường gây nên bao phiền toái. Hai tuần liền đoàn không đi được cũng chỉ vì con đường dốc núi cheo leo gập ghềnh có hai con suối chảy qua này đây. Mưa lũ xuống là con đường dường như biến mất. May quá trời thương nên cho hai ngày trời đẹp. Ấy vậy mà mọi người ngồi trên xe máy của các thầy cô đều phải nhắm mắt vì nhiều đoạn đứng tim. Có thể là các thầy cô quen, nhưng những hôm mưa lũ thì sao, vẫn phải lên lớp hàng ngày nghĩa là vẫn phải vượt qua con đường đầy nguy hiểm lơ lửng treo trên đầu những cái chẳng ai muốn. Thầy hiệu trưởng đã từng ngã xuống vực may có cành cây đỡ nên không bị gãy xương. Còn trẹo chân bong gân là thường ngày ở vùng núi này . 
 
Chỉ có 15 cây số thôi mà sao nhà nước không đầu tư xây dựng cho dân nhờ nhỉ. Mọi người bảo có nhiều dự án lắm nhưng vẫn chả đâu vào đâu nên các thầy trò và dân Nậm Mười còn là chịu cảnh khổ này dài dài. Mình, ba cháu nhỏ và thầy Thích Quảng Hoàng được ưu ái đi xe của ca sĩ Thái Thùy Linh nên không có được trải nghiệm của những người đi xe máy. Vậy mà ngồi trên ô tô lắm chỗ mình vẫn thấy thót tim. Cậu lái xe đi thật giỏi đến mức các thầy Nậm Mười cũng trầm trồ thán phục vì đường quá gồ ghề mà gầm xe lại quá thấp. Thùy Linh bảo đáng ra cũng đi xe cùng đoàn nhưng vì chiều Chủ Nhật còn phải qua Phú Thọ đón một ông thầy về biểu diễn vào tối Chủ Nhật nên phải đi xe của bạn cô cho chủ động.


                  Nghiêm chỉnh ngồi chờ đoàn từ thiện.

Mất một tiếng đồng hồ vòng vèo ngoằn nghèo qua vùng sơn cước bắt đầu bị sương mù che phủ mọi người mới tới được sân trường. Khoảng hai trăm học sinh chỉnh tề ngồi trên sân trường chờ đón đoàn. Mình hơi ngạc nhiên vì phần lớn các em mặc quần áo người Kinh, chỉ có ít em mặc quần áo dân tộc. Một thầy giáo cho biết nhà trường bảo các em phải ăn mặc sáng sủa gọn gàng nên các em cố chọn bộ quần áo Kinh cho đẹp vì quần áo người Dao toàn màu tối. Thì ra là vậy. Thương quá các em chờ mấy tiếng đồng hồ, giờ sương xuống nhiều chắc vừa đói vừa lạnh. Mọi người ai nấy phải lôi áo ấm ra mặc cho khỏi rét. Nhà trường và đoàn thống nhất cho các em về tắm rửa và ăn tối. Bao nhiêu giò chả được mang ra cho từng mâm để bữa ăn của các em có thịt. Nhìn mâm cơm của các em chỉ có hai màu trắng và xanh: cơm và rau rừng mà thấy xót xa. May có tí mỡ xào rau dớn nên các em ăn ngon lành. Hôm nay được ăn giò chả em nào cũng vui như tết. Các thầy cô và các thành viên trong đoàn cũng tranh thủ ăn cơm để còn giao lưu với các em. Mình cũng được ăn rau dớn rồi. Ngon tuyệt! Ở Hà Nội chắc chắn là đặc sản vì rau mọc tự nhiên ở núi đá học trò hái về ăn. Ước gì ngày nào cũng được ăn rau này. Nghĩ đến rau ở chợ HN thấy sợ, ăn thì ăn nhưng mỗi ngày cũng cho vào cơ thể khá là nhiều chất độc hại.


7 giờ trời tối xẫm, sương rơi ướt đẫm bàn ghế, chỉ có hai bóng đèn điện treo trên cột  ở giữa sân trường. May cũng có bộ loa làm buổi giao lưu văn nghệ thêm sôi động cuốn hút. Các trò Nậm Mười đã ngồi nghiêm chỉnh trên những chiếc ghế nhựa ở sân đất, rất nhiều em phải đứng vòng trong vòng ngoài. Không chỉ có các thầy trò trường Nậm Mười mà còn có dân ở các bản gần xa cũng lũ lượt kéo đến xem. Có người vừa đi gặt về không kịp ăn cơm mang theo cả con nhỏ địu trên lưng, có cả các cụ già móm mém. Nhiều người mang theo đèn pin chắc nhà ở xa lắm. Ai cũng háo hức trông chờ. Phải lâu lâu lắm rồi mới có một đoàn đông người đến thế đến thăm. Lại còn có cả ca sĩ Thái Thùy linh bằng xương thịt thật chứ không phải chỉ ở trên ti vi. Có bé hỏi cô Thái Thùy Linh làm giám khảo Đồ Rê Mí ở ti vi làm sao chui ra để đến đây được. Thế chú Xuân Bắc đâu?
 
7.30 buổi giao lưu bắt đầu bằng những bài hát sôi nổi nhiệt tình của Thùy Linh cùng các trò Nậm Mười làm không khí náo nhiệt ấm hẳn lên xua tan cái giá lạnh vùng cao. Một không khí thấm đẫm tình thương mến lan tỏa khắp nơi nơi kéo mọi người gần nhau hơn hòa vào nhau quyện vào nhau. Học trò đua nhau chạy ùa lên tặng những bó hoa rừng được bọc cẩn thận bằng giấy báo. Học sinh dân tộc vốn nhút nhát nhưng âm nhạc làm cho các em mạnh dạn hẳn lên cùng nhau hô vang tên ca sĩ với sự ngưỡng mộ vô cùng. Nhiều em còn dám lên hát cùng Thùy Linh nữa.

                                       Thái Thùy Linh quan sát bữa ăn giản dị của các bé

Sau màn ca nhạc mở đầu, Phó tổng biên tập Bùi Ngọc Hải thay mặt đoàn lên phát biểu. Bài nói của Hải rất ấn tượng làm mình không kìm được nước mắt. Đại diện nhà trường và một số đại biểu lên phát biểu. Hải cũng mời mình lên phát biểu nhưng mình xúc động quá không dám lên. Cuối cùng thay mặt đoàn PTBT tặng hơn 40 triệu tiền các nhà hảo tâm gửi tặng. Công ty du lịch Vietravel cũng tặng 10 triệu cho trường nội trú Nậm Mười.  Nhóm từ thiện Bloggers của mình tặng 7 thùng quần áo do Thanh Chung ở Mỹ quyên góp gửi về. Vì thời gian ít nên mình không thể làm động tác tặng quần áo cho từng em một như ở Suối Giàng. Mình cũng đã dặn các cô giáo phân loại quần áo dành cho những em khó khăn nhất. Quần áo người lớn thì tặng các thầy cô.  Nhiều nhà hảo tâm tặng gạo, mỳ tôm, quần áo ấm, dầu ăn, cá khô, sách vở và nhiều thứ khác nữa. Thầy hiệu trưởng xúc động cảm ơn đoàn và hứa chăm lo cho các em thật chu đáo. Mình được biết chính thầy  và các thầy cô giáo trong trường luôn chia sẻ một phần lương hàng tháng cho các em. Với số tiền trên học sinh hai trường PTCS và PTTH Nậm Mười sẽ được ăn cơm có thịt trong vòng ba tháng. Của chưa phải là nhiều nhưng tình cảm thì không thể đo cho hết.

Tiếp đó ca sĩ Thùy Linh lại cùng thầy trò biểu diễn hết bài này đến bài khác. Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan cũng tham gia biểu diễn nhiệt tình. Cuối cùng lửa trại được đốt lên trong tiếng hò reo vang dội. Tất cả đoàn cùng thầy trò không phân biệt tuổi tác tay nắm tay cùng nhau hát bài ca Nối vòng tay lớn và nhảy theo các điệu nhạc của các bài xòe dân tộc. Hơn 11 giờ đêm lửa trại liên hoan văn nghệ mới kết thúc. Nhiều bé còn đòi chụp ảnh với mình nữa. Quả là một đêm giao lưu đầy ấn tượng đầy cảm xúc không thể nào quên. Mình tin nó sẽ đi theo cuộc đời các trò dân tộc nơi đây suốt cả cuộc đời. Cả mình cũng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét