Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

DƯ ÂM HÀ GIANG



 

Đường đi uốn lượn như tranh họa đồ
 
 
 
Thế là đến được Hà Giang, thỏa mãn ước muốn bấy lâu. Ngẫm lại cũng thấy phục bản thân đã quyết tâm thực hiện chuyến đi tưởng chừng quá sức. Mọi ấn tượng về Hà Giang sau gần mười ngày phần nào đã bị hạ nhiệt, nhưng dù sao vẫn phải viết ra để ghi lại dấu ấn về một vùng đất, địa đầu của Tổ quốc - Hà Giang mến yêu của tôi!

Ra đi vào buổi đêm trong một đợt rét tăng cường, chuẩn bị thật nhiều quần áo ấm, mũ khăn găng tay đủ cả. Họp đoàn 54 người và xuất phát. Ba xe cả thảy. Hai xe 26 chỗ chở người và một xe 16 chỗ chở hàng quyên góp. Chuyến đi đêm không được sôi nổi như những chuyến đi lần trước nhưng cái lạnh về đêm làm cho mọi người gần nhau hơn gắn bó nhau hơn.

Sáng ra đến thị trấn Yên Minh ăn sáng và tiếp tục lên đường. Lúc này mới tận mắt nhìn rõ cảnh vật Hà Giang. Quả là núi non trùng điệp, thung lũng hẹp với những rừng thông cùng đường đi uốn khúc vòng vèo treo leo hùng vĩ đẹp mê hồn. Buổi trưa gặp mặt cán bộ huyện Mèo vạc, cán bộ xã Pả vi và các thầy cô giáo ba trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Pả vi, chuyển hàng quyên góp gồm quần áo, chăn ấm, giày dép, gạo, mì tôm...từ xe vào sân trường. Thầy trò Pả vi đón tiếp thật trọng thị. Học trò xếp thành hai hàng danh dự nồng nhiệt vỗ tay như đón các nguyên thủ quốc gia cỡ Phó chủ tịch Trung hoa vĩ đại, chỉ kém không có cờ sáu sao thôi. Thay vì "Nhiệt liệt chào đón..." thường thấy ở các cuộc đón tiếp long trọng các VIP thì ở đây chỉ có một sân khấu chuẩn bị sẵn cho buổi tối giao lưu văn nghệ.

Ăn trưa xong, không hề nghỉ ngơi, cả đoàn lên xe đi tiếp tới một điểm lẻ của trường là Mã Pí Lèng nghĩa là "Sống mũi của con ngựa". Đây là một trong những "cổng trời" của Hà Giang trong cao nguyên đá Đồng văn có độ cao 2.000 m so với mực nước biển xứng đáng được gọi là "tứ đại đỉnh đèo" của các vùng núi phía Bắc Việt nam. Trường chính trông khang trang đã đành, điểm lẻ ở đây cũng được xây cất cẩn thận trông không bị ám ảnh như điểm lẻ Đá đỏ ở Kim bon Phù Yên Sơn la hay Suối Giàng, Nậm Mười Yên Bái. Hỏi ra mới biết đây là tỉnh biên cương, dẫu gì cũng là bộ mặt nhìn ra thế giới của đất nước nên nhà nước cũng quan tâm hơn, tiền đầu tư được đưa về theo đúng chính sách chủ trương của nhà nước. Mong sao vùng cao nào cũng được như nơi đây, nhà nước đừng nợ dân nữa, tiền vào việc nào chi đúng vào việc ấy đừng để thầy trò vùng cao vốn đã chịu nhiều khó khăn về vật chất, về thời tiết khí hậu khắc nghiệt phải chịu thêm nhiều gian khó nữa.


                                  
                                                           Trao tiền cho nhà trường.

Mới ấm lòng được một lúc thì cảnh mấy nhà dân ngay sát dưới chân trường khi đoàn tranh thủ ghé thăm làm mình gần như chết lặng. Đường đi thì cheo leo khấp khểnh gập ghềnh. Chị chủ nhà đầu tiên 36 tuổi 5 con, chị chủ nhà thứ hai 30 tuổi 5 con. Sáu bẩy con người chui rúc trong một căn nhà tồi tàn trống huếch trống hoác. Con cái đứa nào trông cũng nhếch nhác nhem nhuốc một cách tội nghiệp. Một bé gái có tên Sùng Thị Sáy học lớp 4 còn bị mất bàn tay phải khi cùng em trai cắt cỏ bò. Cả đoàn lấy quần áo bánh kẹo tặng cho em và cho cả nhà, có thành viên còn cho tiền nữa nhưng chẳng làm gì có thể thay đổi số phận của bà con nơi đây. Cũng là con người sao dân nơi đây còn khổ thế. Nhà không ra nhà, đồ đạc không có gì đáng giá, quanh năm ăn ngô. (Giá chế biến như mèn mén bánh ngô mà có lần đi du lịch Côn Minh ăn thử thấy khá là ngon). Đằng này nhìn chiếc nồi "cái gọi là đồ ăn" bởi không biết gọi là món gì mà thấy cám cảnh (Xin lỗi, trông không ngon bằng nồi cám lợn mà  thời bao cấp mình từng nấu cho lợn ăn, uống thì bằng nước sôi hẳn hoi). Thầy Đỗ Việt Khoa bảo chị thử xem sao. Lúc đầu quả có ngại ngại, sau nghĩ bà con ở đây ăn quanh năm còn được, sao mình không dám. Vậy là thử, sau khi lau chiếc thìa cẩn thận. Không biết nói thế nào cho phải. Ngon thì đương nhiên là không. Tạm được cũng không phải. Một thứ gì đó nhoen nhoét, hơi chua chua nhạt nhạt không cảm nhận một chút gì của Gluco. Còn Protein thì lấy đâu ra. Mọi người bảo cho nhận xét mình buộc phải nói chắc khi đói không còn bất cứ thứ gì để ăn thì phải ăn để tồn tại.

 Chạnh lòng nghĩ đến mâm cao cỗ đầy của người dưới xuôi mà càng thêm thương cảm bà con vùng cao. Họ biết làm gì được khi xung quanh chỉ có đá và đá, rất ít đất canh tác mà đá thì trồng được gì. Mùa đông khí hậu lạnh khủng khiếp thì nuôi được con gì. Con người cứ tồn tại như thế "sống trong đá, chết vùi trong đá". Họ chỉ có khả năng tự canh tác ngô và đậu đủ ăn trong 6 tháng còn nhà nước phải cung cấp ngô cho họ 6 tháng còn lại. Phải vậy thôi để còn giữ lấy mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Thảo nào trên đường đi qua nhiều phố ở Hà Giang thấy nơi nào cũng treo cờ đỏ cứ ngỡ nhân dịp gì. Nhìn những cột cờ thép cố định nhà nào cũng giống nhà nào chợt hiểu có lẽ để khẳng định miền biên cương này là lành thổ của đất nước Việt nam. Chẳng biết hiểu như thế có đúng không nhỉ.

Khi trao tặng khoản tiền12 triệu cho cô hiệu trưởng Bàn Thị Bình, cô xúc động không nói nên lời làm mình cũng thấy rưng rưng chỉ nhắn nhủ bảo các em hãy cố gắng chăm lo cho các cháu dạy dỗ chúng nên người để không phải khổ như bố mẹ chúng nữa.

Không thể đến một điểm lẻ nữa là Há Súng hay Kho Táu như trong kế hoạch vì phải đi bộ 4-5 cây số đường núi nên chỉ gửi quà và tiền cho thầy trò nơi đó. Tạm biệt Mã Pí Lèng, cả đoàn quay về trường chính để phát quà cho các cháu. Mấy trăm trò xếp hàng ở sân trường chờ quà từ lâu lắm rồi. Các cháu đều háo hức phấn khởi nhận quà. Cháu nào cũng được một đôi dép, một đôi tất, và quần áo ấm. Quần áo đợt này nhiều nên còn phát thêm cho nhiều cháu nữa. Một số bà con dân bản đến xem cũng tranh thủ chọn đôi cái cho mình và chồng con mình. Hãy nhìn những hình ảnh trẻ em chân tay bị sưng vù vì bị cước bị rét mới thấy các em cần biết bao những tấm áo ấm, những chiếc tất ấm đến chừng nào. Nhìn các bé ôm quần ôm áo mình như được an ủi phần nào. Thôi thì được lúc nào hay lúc ấy!

Ăn tối xong, cùng tham gia giao lưu văn nghệ với thầy trò Pả vi. Buổi văn nghệ rất vui có cả tiết mục gọi là "bán chuyên nghiệp" của văn công huyện Mèo vạc biểu diễn khá chuyên nghiệp. Các bé ba trường múa hát rất nhiệt tình xua tan cái rét buốt của vùng cao.  Khán giả trở nên hào hứng sôi động hẳn lên khi tham gia tiết mục của Huy, một thành viên của đoàn từ thiện. Huy đúng là một thầy dạy kỹ năng sống có tài. Các bé nhút nhát là thế mà chỉ sau ít phút đã nhiệt tình hăng hái tham gia các trò chơi nhẹ nhàng cuốn hút và vô cùng sôi nổi. Tiết mục lửa trại lại kết nối mọi người không phân biệt già trẻ gái trai tay nắm tay nhảy múa ca hát rất vui thắm đượm tình thân ái.

Gần 12 giờ đêm mới về nhà nghỉ tắm rửa đi ngủ. May Ủy ban huyện ưu ái dành phòng nghỉ cho đoàn có cả nước nóng, chăn đệm đầy đủ vì nhiệt độ buổi đêm xuống chừng 5-6 độ, Quyên bảo nghe đài phát thanh huyện báo xuống tới 1 độ  không biết có đúng không nhưng thấy trời thực sự rét thấu xương. Nhớ lúc ngồi xe cả đêm cứ ao ước có được chiếc giường, giờ được tận hưởng thấy sung sướng quá chừng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét