Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

CHUYẾN ĐI KIM BON, PHÙ YÊN, SƠN LA (4)



 
Kim Bon - Những câu chuyện ám ảnh đến nao lòng

Buổi liên hoan văn nghệ giao lưu kéo dài đến 12 giờ đêm mọi người mới đi ngủ. Năm cô cháu được xếp vào một phòng của một cô giáo. Phòng có đúng một cái giường và một cái giá đựng mấy thứ lặt vặt. Có chỗ ngủ là tốt rồi. Một cô giáo mang thêm cho một chiếc chăn. Nằm ngang là OK. Sáng dậy mình mới nhìn thấy bể nước, dãy phòng tắm như cách đây hơn bốn chục năm khi còn là sinh viên. Còn nhà vệ sinh là loại hai ngăn lâu lắm rồi mình mới có dịp được sử dụng. Phù Yên, sau 59 năm giải phóng mà cuộc sống vẫn là thế này đây.

Mọi người còn kể lại chiều hôm trước đi thăm trường Mầm non ở điểm chính. Lớp học xây khang trang được trang bị quạt, đèn khá văn minh nhưng hai năm rồi vẫn chờ điện mặc dù đường dây chỉ cách đó 600m. Các nhà chức trách đâu cả rồi? Sao để cho các chủ nhân ông tương lai chỉ có thể ngắm đèn ngắm quạt mà mơ điện và tiếp tục chịu cảnh tối tăm mùa đông và nóng bức ngày hè.

Bữa ăn hàng ngày của các em chỉ có thế này thôi.

Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20111119114229211.jpg
Thật đau lòng khi nhìn thấy cảnh này.

Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20111119114341817.jpg

Cũng phải ăn để học hành chứ.

Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20111119114745556.jpg

Bữa nay bắt được chuột. Có chất tươi cải thiện rồi.

Đến Suối Giàng hay Nậm Mười, mình đã bị ám ảnh vì bữa ăn sơ sài của các em, nhưng dù sao các em còn có người nấu ăn cho. Còn ở Kim Bon các em từ Tiểu học đến Trung học đều phải tự nấu nướng lấy.  Nhà bếp trông tuềnh toàng không có cửa. Bếp thì tự tạo bằng mấy viên gạch kê thành ông đầu rau đủ để nấu nướng. Bữa ăn chủ yếu là cơm thêm mì tôm nấu thành canh làm thức ăn, khá hơn có thêm tí rau rừng hay quả su su. Phòng ở cũng là nơi để xoong nồi bát đũa. Mấy em một giường trông nhem nhuốc tạm bợ rất tội. Có em ăn ngay tại bếp, có em mang lên phòng. Có em bé tí ra sức chẻ những thanh củi to tướng trông tội đến mức các chị trong đoàn phải chẻ giúp. Điều đặc biệt nhất là các em tự cải thiện bữa ăn bằng cách bắt chuột. Sáng hôm ấy các em bắt được ba con: một con bằng bốn ngón tay chụm lại, hai con kia to hơn ngón tay cái một chút. Các em cũng thui thui, moi ruột vứt đi , rồi chặt miếng nấu nấu xào xào. Chao ôi, thảo nào nhìn các em còi cọc thiếu dinh dưỡng quá. Còn một lý do còi cọc nữa là vì cha mẹ các em phần lớn là có hôn nhân cận huyết. Hai chị em ruột chỉ cần lấy hai ông chồng có họ khác nhau là con cái họ có thể lấy nhau rồi. Mà lại còn lấy nhau rất sớm chưa đủ tư cách và nhận thức để làm bố làm mẹ. Con cái như cái cây cái cỏ cứ thiên nhiên mà ăn mà lớn. Vậy đấy, những hủ tục như thế vẫn cứ tồn tại. Giống nòi làm sao mà chẳng bị suy giảm cả về thể chất lẫn trí tuệ?

Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20111120104705341.jpg

Đau lòng lắm, mọi người ơi, đừng hỏi nữa, đừng chụp nữa!

Nhìn mọi người cứ xúm vào chụp ảnh hỏi han, nhiều em cứ cúi gầm rất tội làm Lụa thấy đau lòng cảm giác như đang gây tội ác. Biết làm sao? Cũng phải cho thế giới văn minh biết được cuộc sống thực tế của các em vùng cao để mọi người chung tay giúp các em bớt đi phần nào khó khăn. Như nhà văn Thùy Linh cho biết sau khi giúp Suối Giàng bữa ăn có thịt đều, có em ở đó một tháng tăng 4 kg. Sức khỏe tăng trí tuệ cũng tăng. Hẳn nhiên chất lượng cuộc sống của các em sẽ tăng. Còn gì vui hơn khi biết có kết quả như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét