Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

NHẬT KÝ CHUYẾN ĐI THIỆN NGUYỆN SUỐI GIÀNG (2)



 
Ngày 1 - 10 - 2011

Hạnh Nguyên bảo sẽ đi Suối Giàng hai ngày nên 4 giờ sáng đã dậy chuẩn bị thêm một số thứ cần thiết như quần áo rét, USB và không quên mang theo một quyển truyện phòng khi buổi tối ở lại nơi bản làng hẻo hút không có hoạt động gì thì có cái để tiêu khiển giết thời giờ. 4 giờ 30 đã thấy PBT Hải gọi điện bảo em đang ở trước cửa nhà chị rồi. Ta-xi 4 chỗ quá bé để chuyên chở số hàng to đùng, Hải phải gọi ta-xi 7 chỗ mới xuể. Đến Hoàng Cầu đón một người nữa. Trong thâm tâm cứ nghĩ sẽ là một chàng trai trong tòa báo của em. Hóa ra một cô gái đeo ba lô từ xa nhanh nhẹn đi tới. Bất ngờ quá khi thấy đó là Mai Lan Hương cô học trò cũ yêu quý của mình. Thật là trái tim tìm đến trái tim! Mình thấy ấm áp hẳn lên khi có em đi cùng. 5 giờ đến 147 Mai Dịch trụ sở của Báo Giáo dục Việt Nam. Một loạt các em đang chờ, sẵn sàng chuẩn bị đi. Có nhiều em còn ngủ lại tại tòa báo để lo chuẩn bị nốt các khâu cuối cùng.  Các em xúm lại khiêng các hòm và bao quần áo chuyển sang xe 30 chỗ ngồi. Cùng lúc thấy cả á hậu Lísa Vân Anh (năm 2008) đến, lúc sau hoa hậu Ngọc Hân 2011 cũng tới. TBT Nguyễn Tiến Bình ra chào hỏi mọi người rất thân tình. Hải mời hai cô trò lên phòng em. Hương lấy cốm gạo lức và sữa ra ăn sáng. Nhẹ nhàng, ngon lành, yên tâm để chuẩn bị khởi hành.

Hơn 6 giờ cả đoàn bắt đầu lên đường đi Suối Giàng. Trời cũng như chiều lòng những người làm thiện nguyện, mưa to gió lớn như lùi đi chỗ khác không còn kinh khủng như mấy hôm rồi. Cơn bão số 5 chệch lên phía Bắc, có thể Quảng Ninh, Thái Bình bị nặng. Hà Nội chỉ thỉnh thoảng có lúc mưa nhỏ và hơi lạnh. Lời cầu của mình đêm trước đã linh nghiệm rồi. May quá!

Hôm nay 1/10 là ngày quốc tế những người cao tuổi, nhưng mình tự thấy hài lòng khi không gia nhập hội này và thấy vui vui khi mình là thành viên "trẻ nhất" đoàn như PBT Hải giới thiệu mình với mọi người. Màn chào hỏi được diễn ra chớp nhoáng trên xe một cách vui vẻ làm mọi người thấy thân thiện và gần gũi nhau hơn, nhất là khi mọi người đều cảm nhận tất cả đang cùng nhau thực hiện một sứ mạng tuy chẳng thật to lớn nhưng chứa chan tình yêu người góp phần nhỏ bé cho trẻ em dân tộc nội trú Suối Giàng có thêm thịt trong bữa ăn hàng ngày.

Sáng mình đã uống thuốc chống say xe rồi mà lên xe vẫn cứ nôn nao ngất ngây con gà tây. Mọi người phải nhường ghế phía trên cho mình. Các em đều trạc tuổi ngoài hai mươi, ba mươi đều khỏe mạnh nhiệt tình. Nhìn mà thèm được trẻ trung sôi nổi như các em quá. PBT Hải có vẻ như là linh hồn của nhóm trên xe này, hát hết bài này đến bài khác cùng với họ làm cho chuyến đi vui vẻ và gần hơn. Thì ra vợ chồng Hạnh Nguyên có lý khi nhận xét về anh chàng này. Thứ nhất đẹp trai, đúng. Nhìn mẽ bên ngoài là thấy ngay, sáng sủa nét nào ra nét ấy kiểu Lady-killer thế này thì ối cô chết. Thứ hai chu đáo, đúng luôn. Anh chàng quan tâm, lo cho mọi người từng li từng tí, lo chỗ ngồi, ăn sáng, lo up tin up ảnh cho cập nhật. Còn thông minh thì mình cũng không chắc lắm vì mới tiếp xúc có mấy tiếng đồng hồ, nhưng khi nghe, nhìn cách ứng xử đối đáp của cậu thì thấy rất dí dỏm hóm hỉnh. Người như thế chắc hẳn phải thông minh.

 Đường đi qua Phú Thọ không tốt lắm nhiều ổ gà, ổ chó, có chỗ là ổ trâu, ổ voi xe xóc nảy người lên nghiêng ngả liên tục. May đến Yên Bái đường đẹp hẳn lên đỡ hơn nhiều. Tuy nhiên đường cũng ngoằn ngoèo và dốc lắm. Ở dưới nhìn lên thấy ô tô ngay trên phía đầu mình. Nhìn chung đường đi cũng không sao trừ một quãng dốc bị đá chất đầy đường lổn nhổn nên mọi người phải đi bộ qua và các chàng trai phải gò lưng ra đẩy từng chiếc xe băng qua.

11 giờ đến ủy ban huyện Văn Chấn. Suối Giàng thuộc huyện này. Hình như nơi đây thuộc Nghĩa Lộ thì phải. Đang là dịp kỷ niêm 64 năm thành lập huyện Văn Chấn nên thấy nhà nào cũng treo cờ Tổ Quốc nhìn đường phố cũng tươm lắm. Đường xá khá tốt vì nghe đâu Suối Giàng đang phát triển thành khu du lịch vì có những cây chè cổ thụ và nghể đẽo đá tinh xảo. Ủy ban huyện thì cũng giống như bao cơ quan đầu não các tỉnh các huyện khắp cả nước đều to rộng khang trang lắm. Có cả những sân chơi tennis nữa. Một ủy ban hoành tráng thế này sao để con em họ lại nghèo thế không đủ dinh dưỡng cho một bữa ăn? 5.000đ + 2kg gạo trong một tuần làm sao sống được hả giời?

 Bí thư huyện ủy và một vài quan chức về văn hóa gì đó tiếp đoàn trong một hội trường lớn có hoa có chè cẩn thận. TBT Nguyễn Tiến Bình thay mặt đoàn phát biểu giới thiệu thành phần đoàn gồm ban lãnh đạo Báo Giáo dục Việt nam , hai hoa hậu và các nhà hảo tâm, nói rõ mục đích chuyến đi và mong có sự kết hợp của địa phương giới thiệu thêm những nơi khó khăn nhất trong huyện để Báo có địa chỉ cụ thể truyền tin đến cộng đồng để họ sẵn sàng chìa tay chia sẻ giúp đỡ. Ông bí thư tên gì mình không nhớ cũng đứng lên mời mọi người uống nước chè và nói qua tình hình huyện Văn Chấn. Mình chỉ nhớ đại loại 60% đến 70% dân số thuộc diện nghèo. Các trường nội trú, đặc biệt khu dân nuôi thì còn nhiều khó khăn lắm. Ông cho biết trường Nội trú Suối Giàng còn là trường tương đối khá với mức 2kg gạo +5.000đ/tuần. Có trường chỉ 2kg gạo + 2.000đ/tuần, thậm chí có bố mẹ chỉ mang được 2kg gạo +0đ nào để nuôi con ăn học trong một tuần. Họ cũng đều thuộc diện nghèo cần phải hỗ trợ thêm, lấy đâu ra 2.000đ hay 5.000đ đóng cho con. Chuyện như tiếu lâm thời hiện đại. Không thể hiểu nổi, không thể tin nổi trong thời đại ngày nay khi mà các cậu ấm cô chiêu con các quan chức này nọ sài tiền chùa vô tội vạ. Ngay cả những gia đình bình dân ở Hà Nội không được quyền kêu ca đòi hỏi này kia. Họ còn quá sướng chẳng bao giờ phải lo đói hay lo bữa ăn không có thức ăn gì. Ông BT cũng nói Suối Giàng còn có đường đi, hạ tầng cơ sở tương đối tử tế, đang phát triển thành khu du lịch, có một số nơi khác còn chưa có đường xe ô tô đi vào, cố lắm thì U-oát có thể tới được, đi bộ phải mất 10 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Thảo nào mà chẳng đói nghèo lạc hậu. Nhà nước cũng có nghị quyết 112 gì đó hỗ trợ cho giáo dục Miền núi. Văn Chấn sẽ nhận được 4 tỉ nhưng 3 năm rồi chưa thấy rót về đồng nào. Huyện cũng cố đấy nhưng chưa được bao nhiêu.

 Huyện ủy cảm ơn đoàn và mời mọi người đi Suối Giàng. Họ cũng có nhã ý mời mọi người ăn trưa nhưng cả đoàn từ chối vì muốn được chia sẻ bữa ăn với các cháu. Số tiền họ định mời đoàn ăn trưa cho gần 30 người nếu thêm cả chủ huyện và bậu xậu thì cũng khoảng 35 người hoặc hơn. Mỗi người cứ cho ít nhất là 100.000đ thôi thì cũng mất khoảng 3.500.000đ. Số tiền ấy phụ thêm vào bữa ăn cho các cháu thì hay biết mấy. Các vị trong ủy ban cùng cả đoàn ra xe đi Suối Giàng. Lisa Vân Anh còn tiến về phía mình hỏi cô là cô giáo ạ, cháu cũng có đến các trường cấp II, cấp III dạy Tiếng Anh và kỹ năng sống. Lại còn ôm thắm thiết nữa. Hic, đúng là hoa hậu thân thiện. Mình còn biết cô hoa hậu này đã dành ra 10 triệu mua 93 bộ quần áo cho các em nữa. Một nghĩa cử nhân ái thật đáng quý! Còn Ngọc hân chỉ mỉm cười chào hầu như không nói điều gì.

 Buồn cười khi T. A. gọi điện hỏi thăm chuyến đi, nghe bảo tất cả có 4 ô tô và 2 hoa hậu đi cùng, em kêu lên lại PR đánh bóng tên tuổi rồi. Quả thật mình cũng thấy đi 4 xe lãng phí bao xăng dầu. Tiền xăng dầu ấy góp vào cho các cháu cũng được ăn thịt hàng tháng trời. Giá như cả hai hoa hậu và TBT đều đi chung một xe 40 chỗ ngồi chẳng hạn thì hay hơn biết bao. Báo Giáo dục Việt Nam là một báo mới nên việc mời hai hoa hậu để PR cho báo cũng là điều có thể hiểu và thông cảm được. Cách làm của Báo mình cho là đáng khen, dùng hình ảnh cụ thể để đánh thức lương tri cộng đồng quan tâm chia sẻ với những số phận kém may mắn là điều nên làm. Chẳng thế chỉ đưa tin có hơn một ngày mà Báo đã quyên góp được 60 triệu cho các em. Anh Bình bảo còn có rất nhiều đại gia muốn gửi tiền ngay nhưng em hẹn họ để đợt sau. Tới đây còn có nhiều chuyến đi lên Yên Bái nữa. Mình đã chứng kiến lúc 5 giờ sáng còn có một độc giả biết tin đoàn đi sớm đã đến tận nơi gửi phong bì 2 triệu đồng cho chương trình "Để có thịt cho bữa ăn của các em Suối Giàng". Không chỉ như một số báo hoặc các tổ chức khác kêu gọi quyên góp cho những trường hợp cụ thể nào đó rồi tự mang đến, Báo Giáo dục còn mời những nhà hảo tâm đi cùng để tận tay trao cho người cần dược giúp đỡ. Rất hay!

Rời Ủy ban đi Suối Giàng, trời lại đổ mưa to và rét hẳn lên. Khoảng 12 giờ, xe mới tới trường nội trú. Đây rồi cổng trường Suối Giàng nơi anh Tuấn bị mê hoặc đến nỗi quên cả mục đích chính của chuyến đi để có ngày hôm nay đoàn mình lên giúp đỡ các em đây. Các thầy cô và các trò đang chờ đón đoàn. Dù trời mưa rét cả đoàn  xuống xe ngay. Số thanh niên lại khiêng gạo, mì tôm, sữa và các thùng, các bao quần áo vào mái hiên, còn mọi người tỏa vào các lớp làm quen với các cháu, thăm quan nơi ở bếp nấu của trường. Đều tuyềnh toàng thiếu thốn và tạm bợ. Trường được nhà nước trang bị trông còn khá một chút chứ bên nội trú dân nuôi thì kém hẳn. Các cháu đều là người dân tộc, nhút nhát và nhếch nhác vì mưa gió bùn đất bám cả vào dép vào chân và quần áo nữa. Chỉ có những đôi mắt trong veo và gò má ửng hồng với bộ quần áo dân tộc là đáng yêu thôi.

Đến bữa ăn trưa thấy bên nội trú được nhà nước hỗ trợ có bát canh măng có mấy miếng thịt mỡ, bát đậu phụ kho, còn bên dân nuôi cũng có bát canh măng với thịt mỡ và một bát canh bí đỏ lẫn đậu quả. Báo Giáo dục cũng mang theo bao nhiêu giò chả và thịt nạc kho ngon lành cho các cháu. Thế là mỗi mâm được tiếp thêm 3 âu thịt nạc, giò và chả.Trong bữa ăn nhiều cuộc phỏng vấn nhỏ được diễn ra
_ Các con hôm nay ăn có thấy ngon không?
_ Có ạ. - Các bé đồng thanh trả lời.
_ Các con có thích ngày nào cũng được ăn thịt như thế này không? _ Lại " Có ạ" đồng loạt.
_ Thế muốn ngày nào cũng được ăn thịt các con phải làm gì?
_ Phải học giỏi ạ. Một vài bé nhanh nhẹn trả lời.


Nhìn các cháu ăn ngon lành mà thương quá. Chả bù các nhà ở Hà Nội nhìn đến giò đến chả là chả muốn động vào. Cả đoàn từ TBT đến hoa hậu và mọi thành viên đều tranh thủ vào các mâm cùng ăn với các cháu. Mình cũng thử mà thấy khó nuốt quá. Cơm thì nát, gạo thì không ngon, canh măng lẫn canh bí thì nhạt thếch, thịt mỡ thì mình xin đầu hàng. Đâm ra cũng phải lấy tí thịt tí chả để ăn hết lưng cơm. Một cô BS chuyên gia về thực phẩm bảo cháu thử ăn cơm không thức ăn để xem có ăn được không nhưng không tài nào nuốt nổi, đành phải gắp một miếng thịt để đưa cơm. Đúng là một trải nghiệm nhớ đời mà như Hạnh Nguyên bảo ở Hà Nội không bao giờ có được.Theo lời một cô giáo bữa ăn hôm nay có thịt là do bác Tuấn trước đó đã gửi lên 9 triệu thì các cháu mới có tiền mua thịt mà ăn, nếu không mỗi tháng các cháu chỉ được ăn thịt một lần thôi. Hóa ra bữa nay như bữa ăn tết của các cháu vậy. Được ăn thoải mái ngon lành. Một vị trong Ủy ban còn cho biết trước đây còn chưa có người nấu ăn, các trò bé thế mà vẫn phải tự nấu ăn lấy. Có một bé 7,8 tuổi có một con cá khô muốn được ăn dè trong nhiều bữa cứ lấy một nắm muối và ớt cho rang đi rang lại với cá để ăn dần. Bé chưa biết cách phải cho nước vào thì cá khô mới ngấm mặn. Tội thế! Nhưng khi hỏi có thích đi học không thì các bé đều trả lời thích lắm. Hỏi vì sao thì bảo ở đây sướng hơn được cô giáo giặt quần áo thơm tho hơn bố mẹ ở nhà. Chắc không có xà phòng nên chỉ đập đập vào nước rồi vắt phơi lên bờ rào. Hèn chi mà thích đi học hơn.

Trời vẫn mưa rét, mình hỏi thế quần áo và tiền thì đưa như thế nào. Mọi người bảo cứ thế đưa cho trường là xong. Mình không đồng ý bảo với Hải tiền đưa cho trường thì được rồi nhưng quần áo phải trao tận tay các em học sinh vì những người làm từ thiện chắc chắn muốn nhìn thấy quần áo họ gửi phải đến tay người cần giúp đỡ. Có bạn bảo phát cho từng cháu thì bao giờ mới xong mà trời thì mưa thế này. Hải gọi điện chắc là cho TBT và bảo OK phát tận tay cho các em.

Thật vui khi nhìn thấy mỗi em đều nhận được một quần+áo phông hoặc quần+ áo len hay quần + mũ. Nhiều em nhút nhát cứ ở trong lớp không dám ra, cô giáo phải vào tận lớp kéo ra nhận quà. Có một cậu bé nhất quyết không lấy. Một thầy giáo bảo nhà em ấy nghèo lắm nhưng rất khái tính. Thương thế, mình mang quần áo ra dỗ dành khuyên bảo mãi em mới chịu nhận. Đa phần học sinh dân tộc rất thật thà, nhưng có em nhận quà rồi thấy mũ đẹp cứ ra xin thêm, phải giải thích để phần cho các bạn chưa có mới thôi. Nhưng có bé thích mũ quá xin đổi quần lấy mũ. OK cho một bé là mấy bé khác cũng đua nhau đổi. Ok luôn cho các bé thỏa mãn. Có 7 chiếc áo vét mà có tới 10 cô, phải lấy thêm 3 áo len tặng các cô vậy.

Vui ghê! Các em học sinh Suối Giàng hôm nay không chỉ có thịt trong bữa ăn mà có thêm quần mới áo mới mũ mới nữa.Một cô giáo rất cảm động cảm ơn và nói với mình các cháu ở đây nghèo lắm, khí hậu trên này nhất là vào mùa đông sắp tới hay mưa gió thất thường lắm, đường đi và sân trường nhiều bùn đất lắm. Lần sau nếu có thể các bác cho mỗi cháu một đôi ủng, áo mưa hay là ô để đi học. Mình nói với TBT điều này để Báo lưu ý rút kinh nghiệm cho những nơi khác vì điều này là thực tế mà ở Hà Nội chẳng ai để ý đến. Khi trao 12.250.000đ cho hiệu trưởng trường, thầy hiệu trưởng rất phấn khởi nắm lấy tay mình hứa sẽ dùng những đồng tiền này đúng mục đích mà các nhà hảo tâm mong đợi. Mình hy vọng và tin tưởng là vậy. Anh Thư phóng viên hiện trường của VTC cứ đòi phỏng vấn để đưa tin nhưng mình từ chối làm cô bé trên đường về cứ trách mãi.

Xong mọi việc , mình đề nghị đi xem cây chè cổ điều mà anh Tuấn lần trước vì buồn vì thương các em quá mà quên mất. Ông BT dẫn mình đi và giới thiệu cây chè chừng 200 tuổi. Lần đầu tiên mình thấy một cây chè cao to như thế. Chắc khi hái chè phải bắc thang. Hoa chè to hơi giống hoa bưởi nhưng cánh mỏng tang và hương thơm ngào ngạt rất quyến rũ. Ông BT còn giảng giải gọi là chè San Tuyết vì búp chè phủ một lớp mỏng giống như tuyết. Nếu hái 5kg búp chè mới tạo ra 1kg chè khô loại I giá chừng triệu rưỡi. Còn loại một búp với một lá thì 700.000đ/kg,  một búp và hai lá thì chỉ 200.000đ/kg thôi. Mình quyết định mua chè loại II, khi trả tiền thì ông BT khăng khăng đòi trả làm mình ngại quá. Mình còn được biếu thêm một gói chè nữa (chè UB tặng đoàn). Mình bảo mình có chè rồi nhưng mọi người vẫn bắt nhận vì biết chuyện ông chồng thích chè San Tuyết mà.

Trời về chiều mưa tạnh hẳn. Nhìn mấy trăm bé xúng xính trong các bộ quần áo dân tộc,  tay ôm quần áo mới, nhiều em đội mũ mới đi lại trên sân trường mắt sáng long lanh vui sướng mình cũng thấy vui và ấm lòng quá. Hẳn đây sẽ là một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của các em. Hy vọng nó sẽ theo các em suốt đời để nhớ về một cộng đồng tốt đẹp còn có nhiều người nhân ái. Tạm biệt Suối Giàng nhé!

Trên đường về lúc này mọi người mới thấm mệt, nhất là các chàng trai trẻ giờ mới thấy đói dữ. Phải đi mãi đến đoạn có quán xá mới có chỗ vào ăn tạm. Không hiểu sao lúc về mình lại nôn nao. May cũng không làm sao. 9 giờ hơn tới tòa báo. Hải phải lo một số việc nên mãi sau khi mọi người về hết rồi mới gọi ta-xi đưa hai cô trò về. Tới nhà đúng 10 giờ. Cả nhà đều bất ngờ mừng thấy mình về sớm và an toàn. Vui nhất là ngày mai lại được gặp các anh chị em, các cháu thân yêu của mình trong ngày giỗ mẹ. Mọi sự chung riêng đều ổn thỏa, chắc mẹ cũng mừng cho con lắm, phải không mẹ yêu quý của con?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét